A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ Tuyên ngôn độc lập, nghĩ về độc lập dân tộc trong bối cảnh hiện nay

Cách đây 78 năm, ngày 2-9-1945 lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Kể từ thời khắc đó, kỷ nguyên độc lập được mở ra với dân tộc Việt Nam với đầy đủ quyền độc lập về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Thời khắc thiêng liêng đó cũng chính là ánh sáng soi đường cho dân tộc ta tiến lên xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, tự do, giàu mạnh, đặc biệt là luôn giữ vững nền độc lập, tự chủ trước bao sóng gió, thử thách của thời cuộc.Cách đây 78 năm, ngày 2-9-1945 lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Kể từ thời khắc đó, kỷ nguyên độc lập được mở ra với dân tộc Việt Nam với đầy đủ quyền độc lập về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Thời khắc thiêng liêng đó cũng chính là ánh sáng soi đường cho dân tộc ta tiến lên xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, tự do, giàu mạnh, đặc biệt là luôn giữ vững nền độc lập, tự chủ trước bao sóng gió, thử thách của thời cuộc.

 

                 Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa

Một trong những bản sắc của dân tộc Việt Nam chính là truyền thống yêu nước hào hùng, tinh thần đoàn kết chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền đã được minh chứng qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong thời đại Hồ Chí Minh, bản sắc ấy tiếp tục được kế thừa, phát huy để làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, xác lập quyền độc lập cho một dân tộc đã đạp đổ xiềng xích nô lệ của thực dân, phong kiến.

Độc lập là giá trị thiêng liêng, là cốt cách, phẩm giá của dân tộc thấm đẫm sự hy sinh của bao thế hệ người Việt. Độc lập - nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó “là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường…”[1]. Bởi vậy, kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập là lời nhắn nhủ, lời hiệu triệu và cũng là lời khẳng định giá trị và quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt quốc dân đồng bào tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[2].

Việt Nam hôm nay là một đất nước hoàn toàn độc lập, tự do, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trên con đường đi lên của dân tộc, giá trị độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác lập trong bản Tuyên ngôn vẫn vẹn nguyên để chúng ta kế thừa và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời đại ngày nay, nội hàm của giá trị Độc lập đã được mở rộng trên nhiều khía cạnh. Đối với Việt Nam, giá trị độc lập dân tộc thể hiện trước hết ở sự độc lập về đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây không chỉ là mục tiêu, đích đến mà còn là giá trị cốt lõi cần được gìn giữ, bảo vệ và phát huy trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Con đường này là ý chí, nguyện vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam, là ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”[3]. Do đó, độc lập dân tộc trong bối cảnh hiện nay thể hiện trước hết ở sự nhất quán, kiên định con đường phát triển đất nước mà Đảng, Bác Hồ đã xác lập, lựa chọn cho dân tộc Việt Nam.

                                Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng nhằm xây dựng nền kinh tế vững mạnh, ổn định.

Độc lập dân tộc hiện nay thể hiện ở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xác định. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế gắn với giữ vững độc lập, tự chủ là định hướng chiến lược để phát triển đất nước, nâng cao tiềm lực, vị thế của quốc gia. Với phương châm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác quan trọng, gắn kết lợi ích với các đối tác chiến lược trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. Đồng thời, Việt Nam đã chủ động tham gia, thể hiện vai trò ngày một quan trọng tại các cơ chế hợp tác đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc. Điều này đã góp phần xây dựng vững chắc tiềm lực trong nước, nâng cao vị thế địa chiến lược của Việt Nam tại khu vực và trên thế giới và đưa Việt Nam trở thành đối tác tin cậy, nhận được sự mến mộ từ cộng đồng quốc tế.

Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng nhằm xây dựng nền kinh tế vững mạnh, ổn định. Bằng việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đầu tư quốc tế, mở rộng thị trường, thực hiện hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. “Năm 2021, Việt Nam trở thành một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới… Năm 2022 tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, là nước có tốc độ tăng trưởng cao so với khu vực và toàn thế giới”[4]. Năm 2023, mặc dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế nước ta cơ bản ổn định, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, là điều kiện bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để giữ vững độc lập dân tộc hiện nay.

Độc lập dân tộc còn thể hiện ở chỗ Việt Nam định hướng và xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã trao truyền song song với việc tiếp thu các giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại. Chính nhờ hội nhập văn hóa mà bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam ngày một nhiều hơn; sức mạnh mềm của đất nước được nâng cao và phát huy hiệu quả vào công tác đối ngoại cũng như các khía cạnh hợp tác khác. Đồng thời, văn hóa không chỉ là sức mạnh nội sinh, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn góp phần định diện hình ảnh đất nước, bản sắc dân tộc Việt Nam với những giá trị tốt đẹp, đặc trưng trong lòng bạn bè quốc tế.

Năm tháng trôi qua nhưng những giá trị cốt lõi về độc lập dân tộc của bản Tuyên ngôn độc lập vẫn luôn ngời sáng, dẫn dắt ý chí, khát vọng, niềm tin của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Một Việt Nam hùng cường, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là đích đến và cũng là trọng trách lịch sử đối với mỗi người con đất Việt hôm nay. Để hiện thực hóa khát vọng đó, giữ vững độc lập dân tộc -giá trị cốt lõi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hình trong bản Tuyên ngôn chính là tiền đề căn bản để đất nước phát triển, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội trước những biến động phức tạp của thế giới hiện nay.


[1]Trần Dân Tiên: Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb CTQG - Nxb Thanh niên, H, 1994, tr. 105.

[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.4, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, H, 2011, tr.3

[3]https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/cuong-linh-xay-dung-dat-nuoc-trong-thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bo-sung-phat-trien-nam-2011-1528.

[4]Vũ Văn Hiền: Tự chủ chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh mới - chủ trương và hiện thực, theo http://tapchiqptd.vn/vi/quan-triet-thuc-hien-nghi-quyet/tu-chu-chien-luoc-cua-viet-nam-trong-boi-canh-moi-chu-truong-va-hien-thuc/20713.html.

Lê Thủ (Vietnamthingvuong.com)

 


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.782
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.566
Năm 2024 : 512.912