A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngăn chặn mưu đồ gây nhiễu loạn lòng dân

Vừa qua, lợi dụng việc Nhà nước tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các thế lực thù địch đã ra sức xuyên tạc, gây rối làm nhiễu loạn lòng dân. Việc “nắm thóp” chiêu bài “canh tân”, “vì dân” của các thế lực thù địch sẽ giúp chúng ta đánh trúng đích và vạch trần âm mưu đen tối, dã tâm thâm độc của chúng một cách hiệu quả. Chúng càng sốt sắng, chúng ta càng phải tích cực trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận để tạo thế trận lòng dân hoá giải “đòn thù” trên trận địa này.

Vì sao trận địa này luôn nóng?

Trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đất đai luôn là trận địa nóng bỏng. Các thế lực thù địch coi đây là mảnh đất màu mỡ để gieo mầmkích động, lèo lái dư luận. Bởi chúng hiểu rõ đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của bất cứ quốc gia nào. Và pháp luật về đất đai tác động mạnh mẽ đến an ninh, chính trị, tâm lý xã hội của người dân. Vậy nên, chỉ cần triệt tiêu động lực này, khuấy nhiễu trận địa này sẽ bẻ gãy chiếc then cài cánh cửa an dân, làm chệch hướng con đường xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Một trang phản động có nội dung xuyên tạc, bóp méo về vấn đề đất đai ở Việt Nam. Ảnh: Internet.

Điều này lý giải vì sao mỗi khi Đảng và Nhà nước có chủ trương, quyết sách mới hay sửa đổi Luật Đất đai, các thế lực thù địch lại “bổn cũ soạn lại” - lợi dụng việc góp ý, bàn luận để kích động, xuyên tạc, bóp méo sự thật. Chính vì thế, đây là vấn đề hệ trọng cần quan tâm đặc biệt, định hướng dư luận kịp thời nhất là trong thời điểm nhạy cảm đang tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)như hiện nay.

Nắm thóp chiêu bài “canh tân”, “vì dân” của các phần tử cơ hội chính trị

Hiện nay, các thế lực thù địch đang đánh đòn tâm lý, nhắm thẳng vào túi tiền của người dân tung hoả mù rằng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nếu được thông qua sẽ đánh thuế đất, thuế nhà rất cao, chỉ lợi cho Nhà nước và bất lợi do dân nghèo gây hoang mang dư luận(?!). Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rõ các vấn đề sau đây:

Một là, việc điều chỉnh thuế suất trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với điều kiện thực tế, giúp gia tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, từ đó có nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng.

Hai là, thuế này sẽ không “đánh” vào “túi thủng” của người nghèo như lời bịa đặt, mà “đánh” vào những đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà, đất. Điều này sẽ là liều thuốc “đặc trị” giúp giá đất hạ sốt góp phần bình ổn thị trường.

Ba là, bên cạnh việc đánh thuế cao với người có nhiều nhà, đất, Đảng và Nhà nước luôn chủ trương ưu đãi với đối tượng thuộc nhóm yếu thế, dễ tổn thương. Điều này thể hiện rõ trong việc quy định đối tượng được miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại Điều 152 bao gồm:“người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo; hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo”. Tính ưu việt của chế độ, tính nhân văn trong chủ trương, chính sách, pháp luật sẽ là lời phản bác đanh thép nhất trước những bịa đặt vô căn cứ của những kẻ cơ hội chính trị.
Bên cạnh đó, không biết từ cứ liệu nào, các thế lực phản động, thù địch đưa ra luận điệu cho rằng Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nếu được thông qua “là dấu hiệu cho thấy Chính phủ sẽ tiếp tục tước đoạt quyền lợi của người dân”(?!) hay "Nhà nước Việt Nam tiến hành sửa đổi Luật Ðất đai là để thao túng thị trường đất đai”(?!).

Tước đoạt, thao túng hay bảo vệ quyền lợi của dân? Để trả lời câu hỏi này phải soi chiếu thật kỹ càng các điều khoản trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Rà soát 236 điều trong Dự thảo không tìm ra bất cứ điều nào để mình chứng cho sự “tước đoạt” nhưng có hàng loạt điều khoản hướng đến bảo vệ quyền lợi của người dân, người sử dụng đất. Điển hình như: “Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ” (Điều 13); “Bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất” (khoản 1 Điều 18); Người sử dụng đất “Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình” (khoản 5 Điều 27); “Các giao dịch về đất đai trên môi trường điện tử có tính pháp lý và được pháp luật bảo hộ” (Điểm b khoản 2 Điều 162)… Vậy suy cho cùng, có Nhà nước nào đi “tước đoạt quyền lợi của dân” mà quy định cụ thể, chi tiết các quyền của người sử dụng đất, bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất, trách nhiệm của Nhà nước về đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số, đối với người nghèo như thế kia? Có chăng, đó là lời nói dối trắng trợn của những đối tượng muốn “đánh lận con đen” gây chia cắt ý Đảng với lòng Dân.

VTV đưa tin về một trang phản động xuyên tạc, bóp méo vấn đề đất đai ở Việt Nam. Ảnh: Internet.

Về việc xác định chế độ sở hữu đất đai, nguy hiểm nhất, trang RFA có bài: “Gốc để sửa đổi Luật Đất đai là công nhận quyền tư hữu về đất”(?!). Để phản bác luận điệu này, cần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để minh chứng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong điều kiện hiện nay vẫn còn phù hợp.

Về cơ sở lý luận, theo quan điểm của V.I.Lênin, thể hiện trong Sắc lệnh về ruộng đất, “Nhà nước xô-viết cũng như tất cả mọi nhà nước không có quyền sở hữu đất đai, do vậy không được phép bán cho bất kỳ chủ thể nào dù chỉ một phần nhỏ đất đai. Nhà nước xô-viết chỉ là người quản lý, người giám đốc điều hành nhằm bảo vệ lợi ích của chủ thể sở hữu là toàn dân. Không làm được điều đó là một nhà nước tồi”.

Và chủ nghĩa Mác - Lênin có những chỉ dẫn quan trọng: Sở hữu tư nhân chính là nguồn gốc của bóc lột và bất công trong xã hội. Nguyên nhân chính của chế độ người bóc lột người là sự tồn tại chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, trong đó, đất đai chính là tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản, chế độ sở hữu trước hết phải là chế độ sở hữu toàn dân về những tư liệu sản xuất chủ yếu. Tư liệu sản xuất chủ yếu là đất đai nếu giao vào tay tư nhân thì khác nào từ bỏ việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đây là âm mưu, dã tâm thâm độc của các thế lực thù địch cần hết sức tỉnh táo để nhận diện.

Về cơ sở thực tiễn, đất đai là tặng vật thiên nhiên, không phải của riêng ai. Và trong điều kiện lịch sử của Việt Nam, để bảo vệ đất nước, giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ, biết bao thế hệ đã hy sinh xương máu. Đây không chỉ là tài sản của những người đang sống, của những tiền nhân đã khuất và cả thế hệ tương lai, những người đã, đang, sẽ khai phá, lao động và bảo vệ mảnh đất thiêng này.

Và cần phải hiểu rõ rằng, cho dù là công nhận chế độ sở hữu toàn dân về đất đai nhưng người sử dụng đất ở Việt Nam có đầy đủ các quyền cơ bản như: quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (Điều 28). Quyền năng của người sử dụng đất hiện nay ngày càng được mở rộng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong giao dịch, đáp ứng những mong muốn của người sử dụng đất trong quan hệ pháp luật về đất đai.

Và hạn chế nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua mà các thế lực thù địch luôn cố tình khoét sâu thuộc về tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, hoàn toàn không phải là khuyết điểm của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Cần tách bạch giữa hai vấn đề này để không đánh đồng, để tránh bị các thế lực thù địch “dắt mũi” cho rằng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai hiện nay là không còn phù hợp.

Vén màn mây, định hướng dư luận kịp thời

Sau khi “vén màn mây”, dọn được “cỏ dại”là những luận điệu xuyên tạc về chính sách, pháp luật đất đai, các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là các cơ quan tuyên truyền cần phải làm tốt công tác định hướng dư luận để tạo môi trườngtrongsạch, tránh gây nhiễu cho Nhân dân trong quá trình tiếp cận thông tin.

- Nói cho dân hiểu

Sửa đổi Luật Đất đai là vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực và tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên, để người dân dành thời gian nghiên cứu toàn bộ Dự thảo e là điều không thể. Vậy nên, việc tóm lược tinh thần, nội dung trọng tâm, điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là cần thiết. Cách tiếp cận, trình bày phải dung dị, mộc mạc để mọi người dân đều có thể đọc, hiểu và nắm bắt vấn đề.

- Làm cho dân quan tâm

Phải tuyên truyền để người dân hiểu rõ việc góp ý dự thảo Luật Đất đai là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân. Là công dân chân chính sẽ không ngồi yên, không “chửi đổng” mà sẽ đóng góp trí tuệ để hoàn thiện dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Phải cho thấu được rằng Nhà nước rất quan tâm, cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp và tiếp thu nghiêm túc. Chỉ khi đó Nhân dân mới thực sự mặn mà với việc góp ý, xây dựng Luật.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các cuộc hội thảo, diễn đàn với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu nên được tổ chức công khai và đưa tin trên các phương tiện truyền thông để thu hút sự quan tâm, tham gia của dư luận.

- Phát huy khí thế dân chủ, đập tan âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch

Khi người dân có sự quan tâm, hiểu và tin vào Đảng, vào chính quyền sẽ tạo nên sức mạnh vô hiệu hoá đòn thù của các thế lực thù địch trên trận địa nóng bỏng này. Dòng thông tin chủ lưu về quá trình sửa đổi Luật Đất đai cần phải cập nhật liên tục đến với công chúng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền hình, phát thanh, các trang mạng xã hội… Và tất nhiên, các thông tin này nên được trình bày một cách đầy đủ, rõ ràng, trung thực, khách quan để người dân có góc nhìn toàn diện và cất lên tiếng nói tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Xây dựng các trang web, fanpage, group trên mạng xã hội để giới thiệu về quá trình sửa đổi Luật đất đai, cập nhật thông tin, nhận định, đề xuất và ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và người dân về sửa đổi Luật đất đai. Những kênh thông tin này phải thiết lập cơ chế hai chiều. Qua đó, người dân cũng có thể sử dụng để gửi thắc mắc và nhận được phản hồi, hỗ trợ giải đáp của chính quyền.

Trương Thị Điệp (vietnamthingvuong.com)


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.404
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.188
Năm 2024 : 512.534