A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

 Xuất phát từ tầm quan trọng của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch được xem là nội dung cơ bản, quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có đội ngũ giảng viên lý luận chính trị.

Nhận thức một cách sâu sắc về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này, trong thời gian vừa qua, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong cả nước đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, trước những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới, để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị góp phần quan trọng vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần chú trọng thực hiện một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, giảng viên về vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trong việc góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Có thể nói, đối với những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận nói chung; nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị tại trường chính trị nói riêng việc nâng cao hiệu quả, chất lượng giảng dạy là một vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi trên cơ sở nhận thức và thực hiện tốt, có chất lượng nhiệm vụ giảng dạy sẽ không những giúp cho người giảng viên hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình công tácmà còn góp phần quan trọng, tích cực cùng với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh hiện nay.

Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn, giao ban công tác giáo dục lý luận chính trị năm 2022. Ảnh: Internet.

Hai là, đội ngũ giảng viên cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong giảng dạy, đội ngũ giảng viên cần kịp thời cập nhật những thông tin mới, những kiến thức mới, nhất là những thành tựu lý luận và thực tiễn hơn 35 năm tiến trình đổi mới đất nước cũng như nghiên cứu làm sáng tỏ những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nghiên cứu những nhận thức, những vấn đề mới nảy sinh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân... qua đó, nhằm góp phần làm sáng tỏ và nâng cao nhận thức của học viên về vai trò và sự lãnh đạo của Đảng; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, củng cố niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Ba là, đội ngũ giảng viên cần tích cực thực hiện việc đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó chú ý đổi mới phương pháp theo hướng “tư duy phản biện”.

Trong hoạt động giảng dạy nói chung, giảng dạy lý luận chính trị nói riêng, đổi mới phương pháp luôn là một yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn hiện nay, nhất là xuất phát từ yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, việc đổi mới phương pháp theo hướng “tư duy phản biện” là hết sức cần thiết. Bởi bản chất của “tư duy phản biện” là phát huy kỹ năng suy nghĩ, từ đó giúp hình thành các kỹ năng quan trọng như: phân tích, đánh giá, tranh luận và biện giải thông tin, tri thức nhằm đưa ra một kết luận, một quyết định hoặc giải pháp phù hợp để củng cố lòng tin hay để triển khai thực hiện. Do vậy, trong quá trình giảng dạy, để phát huy tinh thần phản biện trong việc bảo vệ chủ trương đường lối của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch như trong tình hình hiện nay đòi hỏi mỗi giảng viên cần phải được trang bị “tư duy phản biện” và phải thực hiện được “tư duy phản biện”.

Tỉnh uỷ An Giang tổ chức Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh năm 2022. Ảnh: Internet.

Bốn là, đội ngũ giảng viên cần phải thường xuyên thực hiện công tác nghiên cứu lý luận thông qua việc tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn; thông qua việc nghiên cứu tài liệu, sách, báo,… để thông qua đó nắm vững kiến thức lý luậnnhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Để có thể thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình là giảng dạy, tuyên truyền lý luận chính trị, nhất là tuyên tuyền đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đòi hỏi bản thân người giảng viên cần phải có vốn kiến thức sâu rộng về lý luận chính trị. Do đó, ngoài việc nắm vững kiến thức chuyên ngành, giảng viên cũng cần nghiên cứu, trang bị thêm cho mình kiến thức liên ngành nhằm mở rộng vốn hiểu biết, làm cho kiến thức của mình ngày càng phong phú. Trên thực tế, khi có vốn kiến thức lý luận sâu rộng người giảng viên sẽ chủ động, tự tin trong quá trình truyền đạt, chia sẻ tri thức cũng như bảo bảm việc truyền đạt tri thức đến người học một cách hiệu quả, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, tuyên truyền. Để từng bước trau dồi, nâng cao trình độ lý luận chính trị, đòi hỏi người giảng viên cần có sự chủ động trong nghiên cứu khoa học lý luận chính trị thông qua việc tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn; thường xuyên nghiên cứu tài liệu sách, báo, tạp chí; trực tiếp tham gia viết các bài báo khoa học;…

Năm là, tích cực chủ động tham gia hoạt động nghiên cứu thực tế, khảo sát, tổng kết thực tiễn tại các địa phương, cơ sở nhằm tích luỹ kinh nghiệm thực tế, kiến thức thực tiễn, vận dụng vào trong hoạt động giảng dạy lý luận chính trị. Chỉ khi mỗi bài giảng, tiết giảng của giảng viên có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn mới có thể tăng tính thuyết phục, sự hấp dẫn và tính chiến đấu của bài giảng, qua đó mới thực sự thu hút được người học, đặc biệt là giúp họ củng cố niềm tin, lập trường tư tưởng, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Muốn vậy, đòi hỏi người giảng viên cần phải tích cực, mạnh dạn, chủ động thâm nhập thực tế thông qua hoạt động nghiên cứu thực tế ở cơ sở.

Lê Thị Hồng Nhiên


Thống kê truy cập
Hôm nay : 162
Hôm qua : 2.127
Tháng 09 : 27.882
Năm 2024 : 761.290