A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Dân chủ ở cơ sở - bản chất ưu việt của nền dân chủ nước ta

Trong quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn chú trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”, để hướng tới xây dựng một nền dân chủ mà ở đó mọi quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân.

.

1Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1945), đồng thời là văn bản quan trọng đặt nền móng cho việc xây dựng một nền dân chủ mới cho Nhân dân Việt Nam - nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Từ đó đến nay, Đảng ta luôn xem nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là: “bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”. Trong nền dân chủ ấy luôn đặt Nhân dân lên vị trí hàng đầu: “nước ta là nước dân chủ”, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[1]. Để hiện thực hóa điều đó, Đảng ta xem thực hiện dân chủ ở cơ sở là yếu tố quyết định. Vì vậy, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra tư tưởng thực hành dân chủ ở cơ sở: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” - xem đây là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi công việc.

Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là trong những năm đổi mới, Đảng ta tiếp tục nhận thức một cách sâu sắc: vấn đề dân chủ trước tiên và trọng yếu là xuất phát từ cơ sở. Ngày 20/6/1996, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) ra Chỉ thị 69/CT/TW yêu cầu sớm nghiên cứu thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đặc biệt, ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, trong đó khẳng định: khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Tiếp đó, Quốc hội và Chính phủ đã thể chế hóa trong nhiều văn bản pháp quy về thực hiện Quy chế dân chủ cho một số loại hình cơ sở. Điển hình là, ngày 20/4/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Pháp lệnh nêu rõ: (i) Những nội dung công khai để nhân dân biết. (ii) Những nội dung nhân dân bàn và quyết định. (iii) Những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. (iv) Những nội dung nhân dân giám sát. Đó là những bước phát triển trong nhận thức về dân chủ ở cơ sở và quá trình thể chế hóa quan điểm đúng đắn, tư tưởng chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam về dân chủ ở cơ sở.

Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 (ngày 13/01/2020). Ảnh: Internet.

2. Trong thời gian qua, quá trình hiện thực hóa dân chủ ở cơ sở đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại đơn vị sản xuất - kinh doanh và cơ quan hành chính - sự nghiệp tạo được nhiều chuyển biến về chất. Chính quyền tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân thực hiện khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Chủ doanh nghiệp đã quan tâm tổ chức đối thoại định kỳ, thực hiện các cam kết với người lao động, khen thưởng kịp thời để động viên tinh thần, bảo đảm thực thi các chính sách hợp pháp, chính đáng của người lao động. Các cơ quan hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện tốt quy định về việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của cán bộ, công chức, viên chức đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên thực thi công vụ. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Hội nghị công nhân viên chức ngày càng thể hiện vai trò là diễn đàn thực hiện dân chủ trực tiếp của cán bộ, công nhân, viên chức. Người lao động không chỉ góp ý xây dựng cơ quan, đơn vị mà còn chất vấn thủ trưởng về những vấn đề đang đặt ra ở cơ quan, đơn vị, yêu cầu thủ trưởng làm rõ để tạo sự thống nhất về tư tưởng trong tổ chức.

Quá trình thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn đã và đang đem lại kết quả về nhiều mặt: cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin của người dân; khuyến khích người dân tham gia thảo luận, góp ý kiến vào việc xây dựng cũng như thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, kế hoạch xây dựng và phát triển địa phương; thúc đẩy những nỗ lực của mọi tầng lớp dân cư tham gia các phong trào thực tiễn. Nhân dân đã thể hiện sự quan tâm đến việc góp ý kiến về xây dựng chính sách, pháp luật, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng và thực hiện được nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, triển khai hiệu quả cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Cơ chế phát huy dân chủ ở cơ sở được thực hiện thông qua luật pháp với nhiều biện pháp triển khai thiết thực đang tạo nên những chuyển biến tích cực, thực sự tỏ rõ là một trong những động lực của đổi mới và phát triển xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, ngày 23/3/2022. Ảnh: Internet.

3. Không ngừng hoàn thiện nền dân chủ, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục bổ sung thêm hai thành tố “dân giám sát, dân thụ hưởng” vào trong nội dung Văn kiện, điều này làm sâu sắc hơn quan điểm “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. “Dân thụ hưởng” là khâu cuối trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhưng cũng là mục tiêu cao nhất, mang tính bản chất nhất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. “Dân thụ hưởng” có thể được hiểu ở ba khía cạnh: Một là, nhân dân có cuộc sống vất chất đầy đủ, bảo đảm ăn, ở, mặc, đi lại, sinh hoạt… Hai là, nhân dân được thụ hưởng các giá trị về văn hóa, tinh thần, để từng bước thỏa mãn nhu cầu văn hóa, tinh thần của bản thân. Ba là, phát huy đầy đủ quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội của của đất nước ở từng giai đoạn. Vì thế, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đưa ra thuật ngữ về chỉ số hạnh phúc: “mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[2]. Chỉ số hạnh phúc hàm chứa cả giá trị vật chất và tinh thần - nhân dân phải đạt được cả hai yêu cầu này mới thực sự có hạnh phúc bền vững, mới đúng nghĩa là “Dân thụ hưởng”.

Có thể nói, việc bổ sung thành tố “Dân thụ hưởng” là một điểm mới, thể hiện bước phát triển về nhận thức của Đảng trong việc từng bước hoàn thiện nền dân chủ ở nước ta. Nó không những phù hợp mà còn khẳng định vững chắc bản chất ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng - nền dân chủ của dân, do dân, vì dân - một nền dân chủ cho đến nay chưa có chế độ xã hội nào thực hiện được

theo vietnamthinhvuong.com


Thống kê truy cập
Hôm nay : 163
Hôm qua : 2.127
Tháng 09 : 27.883
Năm 2024 : 761.291