Chế độ xã hội chủ nghĩa không kìm hãm hay hạn chế sự phát triển của tôn giáo!
Các thế lực phản động, chống cộng sản đưa ra luận điệu xuyên tạc cho rằng: vô thần và hữu thần như nước với lửa, chủ nghĩa xã hội không tương dung với tôn giáo, chủ nghĩa xã hội kìm hãm, hạn chế sự phát triển của tôn giáo,... Vậy sự thật diễn ra như thế nào?
C.Mác từng khẳng định, “Đặc quyền tín ngưỡng là một quyền phổ biến của con người”[1]. Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin trong giải quyết vấn đề tôn giáo. Mặc dù thế giới quan duy vật mácxít và thế giới quan duy tâm tôn giáo là đối lập nhau, nhưng trong thực tiễn, những người cộng sản có lập trường mácxít không bao giờ có thái độ xem thường hoặc trấn áp những nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp của nhân dân. Ngược lại, chủ nghĩa Mác-Lênin và những người cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của tất cả mọi người.
Chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một minh chứng hùng hồn cho sự tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân, tạo mọi điều kiện cho tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích.
Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là sự tiếp thu trí tuệ của nhân loại và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về tôn giáo vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; hơn thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bổ sung, nâng tầm ý nghĩa của tự do tín ngưỡng, tôn giáo khi đặt nó trong mối quan hệ gắn bó với độc lập dân tộc “nước có độc lập thì tôn giáo mới được tự do”; Người cũng chủ trương phát huy các giá trị đạo đức của tôn giáo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội đại biểu những người Công giáo yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, tháng 3/1955. Ảnh tư liệu.
Năm 1945, chỉ một ngày sau khi nước nhà độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định việc thực hiện chính sách tôn trọng tự do tôn giáo, đoàn kết lương giáo là một trong sáu vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết: “Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và lương giáo đoàn kết”[2]. Người rất chú ý khai thác điểm tương đồng giữa tôn giáo với chủ nghĩa xã hội: “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận ấm no, xây dựng Tổ quốc”[3]. Theo Hồ Chí Minh, các tôn giáo khác nhau về giáo lý, giáo luật nhưng đều có điểm chung là đề cao tính nhân đạo, tính hướng thiện của con người. Người viết: "Chúa Giê-su dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Không Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”[4].
Thứ hai, pháp luật Việt Nam tương thích với pháp luật quốc tế và luôn đề cao quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và sau đó tiếp tục được khẳng định, mở rộng trong các Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” (Chương 2, Điều 24). Hiến pháp năm 2013 cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Điều 6, Chương II Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào...”; đồng thời Luật mở rộng phạm vi chủ thể có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ “công dân” thành “mọi người”, Luật đã thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ảnh: Internet.
Thứ ba, Đảng và Nhà nước Việt Nam không ngừng bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách về tôn giáo.
Nghị quyết 24-NQ/TW (năm 1990) được xem là dấu mốc thể hiện rõ nhất quan điểm mới của Đảng ta về tôn giáo và công tác tôn giáo, trong đó có ba luận điểm quan trọng: Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và là vấn đề còn tồn tại lâu dài; đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới; nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Đây là cách tiếp cận khoa học dưới góc nhìn đa chiều về tôn giáo, khắc phục được cách nhìn mặc cảm, nặng về yếu tố chính trị đối với tôn giáo. Sau đó, Nghị quyết 25-NQ/TW (năm 2003) đã tổng kết và phát triển tư duy lý luận của Đảng về vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng; công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị;...
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”,... Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển của đất nước”[5]. Như vậy, tại Đại hội XIII, Đảng đã chính thức xác định tôn giáo là nguồn lực xã hội cần được phát huy.
Có thể nói, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta đối với tôn giáo cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân, làm cho tình hình tôn giáo ở nước ta có chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 09/8/2019. Ảnh: Internet.
Thứ tư, chế độ xã hội chủ nghĩa tạo điều kiện thuận lợi cho tôn giáo phát triển.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được bảo đảm trên thực tế. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, số lượng tín đồ cùng chức sắc các tôn giáo ở Việt Nam không ngừng tăng lên: Năm 1985, số lượng tín đồ là 14 triệu, số lượng chức sắc, nhà tu hành là 35 nghìn người[6]; Năm 2019, số lượng tín đồ là 25 triệu, số lượng chức sắc, nhà tu hành là 87 nghìn người[7]. Trước Đổi mới cả nước có 03 tôn giáo được công nhận về tổ chức; đến tháng 12/2020, Nhà nước đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo (thuộc 16 tôn giáo), 04 tổ chức và 01 pháp môn được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; 01 tôn giáo có một số chùa được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận Ban Trị sự, Ban Quản trị chùa; 01 thánh đường của Hồi giáo được công nhận Ban Quản trị thánh đường[8]. Hiện nay, số lượng nơi thờ tự các tôn giáo là 29.000, trong đó, gần 7.000 cơ sở thờ tự được cấp đất để xây mới[9]. Những số liệu đó là minh chứng hùng hồn phản bác lại luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, chế độ xã hội chủ nghĩa không những không kìm hãm, hạn chế sự phát triển của tôn giáo, mà còn luôn tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chân chính của Nhân dân.
[1]C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1995, t1, tr.549.
[2][3][4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.4, tr.8; t.13, tr.454; t.7, tr.95.
[5]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.171.
[6]Nguyễn Thanh Xuân: Một số tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, tổng hợp qua các lần tái bản: 1992, 2000, 2010 và 2016.
[7]Ban Tôn giáo Chính phủ: Báo cáo Tình hình Công tác tôn giáo năm 2019, tài liệu lưu trữ, H.2015, tr.16.
[8]Ngày 28/12/2020, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 6955/BNV-TGCP kèm theo Danh mục các tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tính đến tháng 12/2020.
[9]Nguyễn Thanh Xuân: Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, H.2020, tr.438.
Hồng Sang