Tìm giải pháp phát triển bền vững vùng trồng cam sành
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng giống cây đảm bảo chất lượng, chú trọng khâu cải tạo đất... được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo phát triển cam sành, hôm 31/8.
UBND huyện Bắc Quang, Hà Giang vừa tổ chức Hội thảo giải pháp về khoa học, kỹ thuật để nâng cao chất lượng và phát triển bền vững cam sành Hà Giang. Dự hội thảo có đại diện các đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Khoa học nông nghiệp miền núi phía Bắc, Viện Di truyền nông nghiệp; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; Thường trực UBND huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên; đại diện các hợp tác xã trồng cam tiêu biểu trên địa bàn huyện.
Tại hội thảo, lãnh đạo huyện Bắc Quang đã trưng cầu ý kiến của các cơ quan quản lý, nhà khoa học, hợp tác xã trồng cam. Trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm diện tích cây cam, như: áp dụng quy trình kỹ thuật trồng cam chưa chuẩn; không đảm bảo các yếu tố dinh dưỡng và xuất hiện sâu bệnh nguy hiểm hại cây trồng.
Các chuyên gia đã cung cấp thông tin thị trường; kiến nghị nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, phát triển bền vững cam Sành Hà Giang, như: thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; sử dụng giống cây đảm bảo chất lượng, sạch bệnh; tuân thủ các quy trình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; chú trọng khâu cải tạo đất, phòng trừ sâu bệnh hại...
Trước đó, đại biểu và chuyên gia đi khảo sát thực tiễn một số vườn cam sinh trưởng tốt, vườn suy thoái, vườn phục hồi của một số hộ trồng cam tại xã Vĩnh Hảo, Tiên Kiều.
Huyện Bắc Quang hiện có trên 4.800 ha cam, trong đó, cam Sành chiếm 64,1%, năng suất bình quân đạt 12,6 tấn một ha. Cam Sành đã trở thành cây kinh tế mũi nhọn của huyện, mang lại hiệu quả cao về kinh tế cho các nhà vườn. Tuy nhiên, công tác phát triển cam Sành chủ yếu chú trọng đến năng suất, sản lượng, chưa có nhiều thông tin về thị trường tiêu thụ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khâu chăm sóc cây cam, đa số các hộ chưa mạnh dạn áp dụng kỹ thuật ở khâu cắt tỉa, tạo tán nên chưa phát huy tối đa năng suất cam Sành. Cá biệt, từ tháng 6 đến nay, trên địa bàn huyện có gần 980 ha cam Sành xuất hiện hiện tượng vàng lá, khô đầu cành, cây sinh trưởng và phát triển kém, làm suy giảm diện tích cam...