Mùa xuân ở nơi "hoa nở trên đá"
Thật khó có thể dùng từ ngữ nào để miêu tả, chỉ biết rằng nếu đã một lần đến Hà Giang vào mùa xuân thì chắc chắn sẽ còn muốn được trở lại nhiều lần.
Mùa xuân, là khi vùng đất của những tảng đá tai mèo xám xịt “nở hoa”. Khi ấy, toàn bộ không gian của Hà Giang bỗng trở nên bừng sáng, đầy ắp sức sống. Khắp nơi là màu vàng của hoa cải, trắng tinh khôi của hoa mận, đỏ thắm của hoa đào, hồng phới của tam giác mạch, hồng thẫm của hoa thun tu…
Mùa xuân ở Hà Giang là những nụ cười tươi rói của người Mông, là tán sa mộc dịu dàng hay từng gùi hoa cải rực rỡ trên vai những đứa trẻ. Là những phiên chợ xuân đầy sắc màu trải dài từ Quản Bạ lên Đồng Văn, Mèo Vạc hay những lễ hội truyền thống của đồng bào. Hà Giang như một bức tranh thổ cẩm đa sắc khiến du khách đặt chân đến đều choáng ngợp, xao xuyến và bị cuốn theo những sắc màu hoang dại, thô mộc, tự nhiên nhi nhiên của vùng đất ấy.
Dù là dưới ánh nắng mai hay trong màn sương mù lảng bảng, dù chỉ là bất chợt giơ máy lên chụp vội một tấm hình, thì từng góc ở Hà Giang vẫn toát lên vẻ đẹp rất đặc trưng của riêng mình. Khung cảnh và con người nơi đây như mang một cái hồn chung, vừa hào sảng vừa tình thơ dung dị. Hà Giang khiến du khách phải trầm trồ vì sự thảnh thơi ấy.
Các điểm tham quan du khách có thể ghé đến ở Hà Giang:
- Cột mốc số 0: Cột mốc số 0 tại thành phố Hà Giang thường là điểm đánh dấu đầu tiên và cũng là điểm để check-in của nhiều người. Mốc nằm ngay trên QL2 tại trung tâm thành phố, bao gồm cả cột mốc đường và cột mốc bằng đá ghi rõ mốc lịch sử.
- Cổng trời và núi đôi Quản Bạ: Cổng trời Quản Bạ từng là nơi canh gác và kiểm soát mọi hoạt động ra vào cao nguyên đá với cánh cổng bằng gỗ lớn. Núi đôi Quản Bạ là danh thắng tự nhiên với hai ngọn núi nằm giữa thung lũng tựa như “núi đôi” của cô tiên, vì thế mà nó còn có tên gọi khác là Núi đôi cô Tiên.
- Nhà vua Mèo Vương Chí Sình: Đây là quần thể di tích của vua Mèo khi xưa, được xây dựng từ đá phiến. Nhà được thiết kế với mái ngói âm dương, những trụ đá hay cột đều được chạm khắc tinh xảo.
- Cột cờ Lũng Cú: đây được xem là điểm tượng trưng của cực Bắc của Việt Nam. Cột cờ được xây dựng trên đỉnh núi Long Sơn (núi Rồng) có độ cao chừng 1.700m so với mực nước biển.
- Chợ Đồng Văn và phố cổ Đồng Văn: Chợ Đồng Văn cũ có tuổi đời hàng trăm năm được xây bằng đá và lợp ngói âm dương nhưng hiện tại hoạt động họp phiên đã chuyển sang chợ mới, vẫn giữ nguyên nét đặc trưng của đồng bào miền cao.
- Rừng thông Yên Minh: Nằm trên QL4C lên Đồng Văn hay còn gọi là con đường Hạnh Phúc, rừng thông thuộc địa phận xã Na Khê, Lao Và Chải, huyện Yên Minh bao gồm rất nhiều những cây thông lớn và những đồi cỏ rất đẹp mắt.
- Dốc Thẩm Mã, Phố Cáo, dốc Chín Khoanh: Trước khi tới thung lũng Phố Cáo du khách sẽ phải vượt qua dốc Thẩm Mã với nhiều góc cua tay áo . Phố Cáo là thung lũng hẹp như một dải đất nằm giữa hai dãy núi lớn. Tại đây vào mùa đông hay xuân cũng có những ruộng hoa cải, tam giác mạch, vườn đào. Phiên chợ ở Phố Cáo là phiên chợ lùi, đầu năm cũng có lễ hội Khèn rất đặc sắc.
- Sủng Là, Phó Bảng: thung lũng Sủng Là nổi tiếng với ngôi nhà trong bộ phim cùng tên Chuyện của Pao, đó là một dải đất bằng phẳng nằm giữa khe núi với hai bên là những ngôi nhà trình tường, ở giữa là QL4C chạy uốn lượn. Sủng Là cũng là nơi có nhiều tam giác mạch và cây sa mộc.
- Đèo Mã Pí Lèng: Cung đèo nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc, nằm trên con đường mang tên Hạnh Phúc rất cheo leo và hiểm trở. Nhiều người vẫn gọi nó là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam.
- Mèo Vạc và khu vực xung quanh: Thị trấn Mèo Vạc nằm giữa bốn bề núi đá, từ đây du khách có thể đi vào Khâu Vai hay rừng đá Lũng Pù để tham quan hoặc dự chợ phiên Mèo Vạc.