A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Giang đa dạng hóa các sản phẩm du lịch

Là địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch, các sản phẩm du lịch của Hà Giang được khai thác kéo dài quanh năm, trải đều với ba không gian Đông Bắc, Tây Nam và khu trung tâm, trong đó sản phẩm chủ đạo xuyên suốt 12 tháng là những giá trị văn hóa bản địa của 19 dân tộc gắn với các mô hình làng văn hoá du lịch, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và các giá trị địa chất địa mạo…

 Quý I/2023, Hà Giang đón 706.000 lượt du khách (tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó 51.111 lượt khách quốc tế, khách nội địa là 654.889 lượt người.

Tỉnh Hà Giang được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch, giữ vị trí là cầu nối du lịch giữa 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc, tiếp giáp với thị trường du lịch Vân Nam (Trung Quốc). Những năm gần đây, Hà Giang trở thành điểm sáng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, khách du lịch đến Hà Giang trong giai đoạn 2020 - 2022 tăng bình quân 39%/năm. Trong năm 2022, Hà Giang đón khoảng 2.268.000 lượt khách (đạt 147% kế hoạch năm), trong đó khách quốc tế đạt 71.000 lượt, doanh thu du lịch ước đạt 4.306 tỷ đồng. Quý I/2023, Hà Giang đón 706.000 lượt du khách (tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó 51.111 lượt khách quốc tế, khách nội địa là 654.889 lượt người, doanh thu du lịch đạt 1.659,1 tỷ đồng.

Tập trung khai thác 5 loại hình du lịch 

Đồng chí Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Để giúp du khách có thêm trải nghiệm, khám phá trên miền Cao nguyên đá, Hà Giang đã kịp thời nắm bắt xu hướng, hình thành và phát triển nhiều sản phẩm du lịch, tập trung vào 5 loại hình chính gồm: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao - mạo hiểm, du lịch thương mại, biên giới. Đặc biệt, các sản phẩm du lịch của Hà Giang được khai thác kéo dài quanh năm, khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ, trải đều với ba không gian Đông Bắc, Tây Nam và khu trung tâm, trong đó sản phẩm chủ đạo xuyên suốt 12 tháng trong năm là những giá trị văn hóa bản địa của 19 dân tộc gắn với các mô hình các làng văn hoá du lịch; cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và các giá trị địa chất địa mạo…

 Trong năm 2022, khu nghỉ dưỡng Hmông Village (huyện Quản Bạ) được vinh danh khách sạn xanh ASEAN.

Với bước phát triển mạnh mẽ, du lịch cộng đồng là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Giang được nhiều du khách lựa chọn để trải nghiệm, khám phá. Sản phẩm du lịch này đã góp phần tạo cơ hội, việc làm cho người dân, tăng nguồn thu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có 40 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó có 16 làng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận hoàn thành các tiêu chí theo từng giai đoạn. Năm 2022 tỉnh Hà Giang công nhận 02 làng đạt tiêu chí “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”.

Theo đánh giá của Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Giang, các làng sau khi được đầu tư và đi vào hoạt động đều khai thác có hiệu quả, thu hút lượng khách du lịch đáng kể và huy động được sự tham gia cộng đồng trong cung ứng dịch vụ, đảm bảo các lợi ích từ du lịch đóng góp và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ du lịch (Homestay) trung bình đạt 70 đến 90 triệu đồng/năm, có những hộ đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, Hà Giang còn có 106 điểm du lịch đang hoạt động tập trung ở các loại hình Du lịch tâm linh, cộng đồng, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Các địa phương thành lập Ban quản lý, ban hành Quy chế quản lý các di tích, danh thắng tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hạ tầng, xây dựng các mô hình trải nghiệm, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực du lịch với các điểm đã và đang khai thác, mục tiêu hướng tới hoàn thiện các tiêu chí theo quy định. Bước đầu đưa sản phẩm du lịch nông nghiệp vào khai thác gắn với trải nghiệm các làng du lịch cộng đồng; phát triển dược liệu gắn với tham quan trải nghiệm mô hình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Quản Bạ, Hoàng Su Phì...

Tỉnh cũng đã xây dựng con đường du lịch trải nghiệm thứ 4 phục vụ tái thẩm định Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá UNESCO năm 2022. Đồng thời, thành lập Đoàn công tác tiến hành khảo sát, đo đạc, xác định vị trí cụ thể và xây dựng hồ sơ đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng Trạm thông tin, điểm dừng chân, sàn ngắm cảnh, bãi đỗ xe trên địa bàn, khai thác và đưa vào sử dụng các tuyến du lịch đi bộ hiện có trên vùng Công viên địa chất…

Các sản phẩm du lịch của Hà Giang được khai thác kéo dài quanh năm với sản phẩm chủ đạo xuyên suốt 12 tháng là những giá trị văn hóa bản địa của 19 dân tộc gắn với các mô hình làng văn hoá du lịch, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và các giá trị địa chất địa mạo. 

Tiến tới tổ chức thường xuyên các sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm

Với lợi thế về cảnh quan, địa chất, chủ yếu nằm ở hai vùng là vùng cao núi đá thuộc Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn và vùng núi đất phía Tây với di tích quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Hà Giang đang phát triển thêm sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong đó tỉnh đã triển khai thử nghiệm khai thác, tiến tới tổ chức thường xuyên các sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm như giải đua môtô, ô tô địa hình tại Yên Minh và Quản Bạ, Caravan tại Hoàng Su Phì, khinh khí cầu, đi bộ chinh phục vách đá trắng, Giải marathon quốc tế chạy trên con đường Hạnh Phúc; Chèo thuyền kayak và đi thuyền trên sông Nho Quế thám hiểm hẻm vực Tu Sản; bay dù lượn núi Pố Lổ thị trấn Đồng Văn; Thám hiểm hang Sán Tớ và đu dây mạo hiểm Hố sụt thôn Tìa Chí Dùa (Mèo Vạc). Trong thời gian tới tỉnh cho phép đoàn khách nước ngoài đến Hà Giang bằng máy bay trực thăng.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Triệu Thị Tình, Hà Giang đang hướng đến sản phẩm du lịch thương mại, biên giới nhằm cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan của du khách; kích cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa địa phương. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành mô hình chợ 4.0 tại chợ thị trấn Cốc Pài (huyện Xín Mần), chợ trung tâm thành phố Hà Giang; đang triển khai tại chợ thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì và chợ trung tâm thị trấn Mèo Vạc; có 03 chợ đêm tại các huyện: Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Các chợ được bố trí sắp xếp văn minh, hiện đại theo khu bán hàng lưu niệm và các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu; khu ẩm thực; khu sinh hoạt văn hóa - văn nghệ cộng đồng phục vụ nhu cầu thăm quan, mua sắm của du khách và người dân địa phương. Xây dựng không gian văn hóa chợ phiên gắn với khai thác phát triển du lịch đối với các chợ: Chợ trung tâm huyện Đồng Văn, chợ Lũng Phìn, chợ Sà Phìn, chợ Phố Cáo, chợ các xã Khâu Vai, Lũng Pù, Niêm Sơn, Xín Cái, Sơn Vĩ... qua đó góp phần giữ gìn, quảng bá và phát huy nét văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của tỉnh đến với khách du lịch trong và ngoài nước.

Hà Giang đã triển khai thử nghiệm khai thác và tiến tới tổ chức thường xuyên các sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm (Trong ảnh: Chèo thuyền kayak trên sông Nho Quế). 

Hà Giang còn có 6 làng nghề có sản phẩm OCOP từ 3-4 sao phục vụ du lịch, 8 làng nghề được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Tổng số có 280 sản phẩm đạt sao OCOP , trong đó 41 sản phẩm đạt 4 sao, 239 sản phẩm đạt 3 sao, 01 sản phẩm 5 sao.

Ngoài ra, ẩm thực độc đáo với nhiều món ăn truyền thống của các dân tộc Hà Giang cũng là một trong những sản phẩm du lịch bổ trợ độc đáo được nhiều khách du lịch nhớ tới trong hành trình khám phá miền Cao nguyên đá. Mới đây, Hà Giang có 4 món ăn được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam ghi nhận gồm: Cháo Ấu tẩu, mèn mén, thắng cố và thịt treo gác bếp cùng 4 món lọt top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam gồm: Mật ong Bạc hà, chè cổ thụ Shan tuyết, bánh Tam giác mạch và Hồng không hạt Quản Bạ, góp phần làm cho chương trình du lịch Hà Giang ngày càng trở nên hấp dẫn./.


Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Thống kê truy cập
Hôm nay : 384
Hôm qua : 2.936
Tháng 09 : 37.383
Năm 2024 : 770.791