A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bước chuyển tích cực từ công tác luân chuyển cán bộ của tỉnh Hà Giang

Việc chú trọng bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch luân chuyển cán bộ đã mang lại những chuyển biến rõ nét, giúp nhiều xã, huyện của tỉnh Hà Giang có những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hiệu quả từ việc bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương ở xã đầu tiên đạt đô thị loại V của tỉnh Hà Giang

Từ một xã vùng sâu gặp nhiều khó khăn của huyện Bắc Quang, năm 2003, Xuân Giang trở thành một xã của huyện Quang Bình, vươn lên trở thành một trong những xã động lực của huyện và là một trong hai xã điểm chỉ đạo về xây dựng xã phát triển toàn diện. Sự thay đổi, bứt phá của Xuân Giang gắn liền với việc đón đầu, quyết liệt thực hiện chủ trương của Đảng về luân chuyển công tác cán bộ, bố trí người đứng đầu cấp ủy xã, thị trấn không phải là người địa phương. Năm 2014, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Giang là cán bộ của xã khác luân chuyển về. Những năm sau đó, theo sự chỉ đạo của huyện, xã tiếp tục thực hiện chủ trương này đồng thời cả ở vị trí bí thư đảng ủy xã và chủ tịch ủy ban nhân dân xã. Từ thời điểm trên, cùng với sự quan tâm chỉ đạo toàn diện của Huyện ủy Quang Bình, cấp ủy, chính quyền của xã tích cực sáng tạo, chủ động, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo đưa kinh tế của xã tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng du lịch, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp. Đây cũng là giai đoạn Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã gấp rút triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, xã chú trọng thực hiện các chương trình, dự án, phát triển chăn nuôi, trồng rừng, tăng diện tích cây vụ đông để tăng thu nhập cho người dân, bảo đảm tiêu chí về thu nhập. Kết quả, xã Xuân Giang được tỉnh Hà Giang cấp bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016. Không dừng ở đó, với những kết quả đạt được và sự vươn lên về mọi mặt trong nhiều năm qua, ngày 21-12-2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ký Quyết định số 2372/QĐ-UBND công nhận xã Xuân Giang là đô thị loại V. Trở thành xã đầu tiên của tỉnh đạt đô thị loại V, Xuân Giang tiếp tục củng cố các tiêu chí một cách bền vững, phấn đấu về đích xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.

Lễ công bố quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang công nhận xã Xuân Giang, huyện Quang Bình đạt đô thị loại V_Ảnh: hagiangtv.vn

Từ kinh nghiệm của xã Xuân Giang cho thấy rõ, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một phần quan trọng là do cán bộ luân chuyển đến đã triển khai công việc quyết liệt, khách quan, sát với thực tiễn, không bị tác động, ảnh hưởng, hay ràng buộc bởi các mối quan hệ họ hàng, dòng tộc, vì không phải là người địa phương. Mặt khác, cán bộ luân chuyển ở địa phương khác đến có nhiều kinh nghiệm ở địa phương nơi đi, có thể vận dụng linh hoạt vào thực tiễn nơi đến, thực hiện sáng tạo các giải pháp phát triển kinh tế, giúp đồng bào thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả giúp người dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập. 

Nhận thấy rõ những hiệu quả tích cực do công tác luân chuyển cán bộ, bố trí người đứng đầu cấp ủy cấp xã, thị trấn không phải là người địa phương đem lại đối với sự phát triển về mọi mặt của huyện, Huyện ủy Quang Bình chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện nâng tỷ lệ người đứng đầu cấp ủy cấp xã, thị trấn không phải là người địa phương qua các năm. Theo đó, việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đã trở thành việc làm thường xuyên và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của mỗi xã, thị trấn. Hiện nay, 100% số bí thư đảng ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân của 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều không phải là người địa phương. Thực tiễn đã chứng minh, công tác luân chuyển, bố trí cán bộ đem đến luồng gió mới cho sự phát triển của Quang Bình. Năm 2022, dù vẫn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của huyện đều cơ bản hoàn thành tốt, trong đó có 6/17 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Cụ thể, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 96,318 tỷ đồng, đạt 105,1% kế hoạch tỉnh giao, 103,57% kế hoạch huyện phấn đấu; số lao động được tạo việc làm hằng năm đạt 186% kế hoạch; giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm 4,67%, số hộ nghèo giảm trong năm tăng 366 hộ so với kế hoạch tỉnh giao, tăng 64 hộ so với kế hoạch của huyện; tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt tiêu chí văn hóa tăng 8,3%, tỷ lệ hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa tăng 3,0%; thu hút khách du lịch tăng 22.000 lượt người so với kế hoạch; tỷ lệ xã, thị trấn, cơ quan đơn vị đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự tăng 4,5%.

Góp phần đổi mới công tác đào tạo, tạo nguồn cán bộ

Việc bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương trong quá trình luân chuyển cán bộ được tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện từ rất sớm, đồng bộ ở các cấp. Báo cáo sơ kết công tác luân chuyển cán bộ của Tỉnh ủy Hà Giang kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ, ngày 7-10-2017, đến hết năm 2021 cho thấy, việc thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương được thực hiện tốt. Đối với cấp tỉnh, có 3 đồng chí lãnh đạo bố trí các chức danh không phải là người địa phương. Đối với cấp huyện, có 78 đồng chí lãnh đạo ở 11 huyện, thành phố thuộc tỉnh bố trí các chức danh không phải là người địa phương. Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đều có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ, bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương, qua đó chỉ đạo triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở kịp thời, có hiệu quả. Theo báo cáo sơ kết của tỉnh và thực tế tại một số địa bàn cụ thể của tỉnh Hà Giang, như xã Xuân Giang, Bằng Lang, Nà Khương (huyện Quang Bình), xã Nậm Ty, Nậm Dịch, Thông Nguyên (huyện Hoàng Su Phì), việc bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương của tỉnh đem lại những kết quả tích cực.

Thứ nhất, từng bước khắc phục tình trạng hẫng hụt, nơi thừa, nơi thiếu, bị động, chắp vá trong công tác cán bộ; vừa có thể tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, lại hạn chế được tình trạng sử dụng, bố trí cán bộ đảm nhiệm chức vụ quá lâu ở một vị trí công tác; thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, ngành, cấp xã không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Thứ hai, bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ. Hầu hết đội ngũ cán bộ được luân chuyển đều vượt qua khó khăn ban đầu, tiếp cận nhanh với môi trường làm việc mới, phát huy tính sáng tạo, năng động, thể hiện được vai trò lãnh đạo, được đảng viên, nhân dân địa phương đồng tình, tín nhiệm cao. Qua quá trình giữ vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nơi đến, được rèn luyện từ thực tiễn, cán bộ luân chuyển có bước trưởng thành, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo, điều hành, có tư duy và phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo khoa học, toàn diện, sát thực tiễn hơn. Sau thời gian luân chuyển, hầu hết số cán bộ này phát huy được năng lực công tác, có đồng chí được bố trí ở vị trí cao hơn.

Thứ ba, việc bố trí một số chức danh chủ chốt là cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương góp phần đổi mới công tác cán bộ, tránh được sự trì trệ, bảo thủ của cán bộ khi công tác lâu ở địa phương. Bên cạnh đó, góp phần khắc phục và hạn chế được tình trạng bè phái, cục bộ, khép kín trong đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Nhiều vấn đề khó, phức tạp tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ đã được xử lý, giải quyết, từ đó xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra, một số cán bộ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương khi mới luân chuyển về còn khó khăn trong tiếp cận thực tiễn, hòa nhập với môi trường công tác mới. Đặc biệt, còn có tâm lý ngại va chạm, đợi hết thời gian luân chuyển để được bố trí công tác khác. Điều này dẫn đến không đáp ứng được một trong những mục đích của việc luân chuyển cán bộ là đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, đồng thời tạo nguồn cán bộ cho tỉnh. Bên cạnh đó, cán bộ luân chuyển thường phải xa gia đình, trong khi giao thông đi lại ở nhiều xã còn khó khăn bởi địa hình hiểm trở. Mặt khác, chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ luân chuyển chưa thực sự tạo động lực để cán bộ an tâm công tác... 

Căn cứ theo Quy định số 65-QĐ/TW, ngày 28-4-2022, của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, Quy định số 06-QĐ/TU về luân chuyển cán bộ được ban hành ngày 15-11-2022, Tỉnh ủy Hà Giang đã bổ sung những điểm mới, tập trung trực tiếp giải quyết những hạn chế trong công tác luân chuyển cán bộ. Quy định số 06-QĐ/TU đặc biệt nhấn mạnh, cơ quan nơi đến phải chấp hành nghiêm quyết định về luân chuyển cán bộ của cấp có thẩm quyền; có trách nhiệm bố trí công tác, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để cán bộ luân chuyển phát huy năng lực, sở trường; quản lý, đánh giá cán bộ trong thời gian luân chuyển; phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất hướng bố trí, sử dụng cán bộ sau luân chuyển. Đồng thời, cán bộ luân chuyển phải chấp hành nghiêm các quy định, quy chế, phân công của cấp có thẩm quyền, cơ quan nơi đi và nơi đến; chịu sự kiểm tra, giám sát, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý. 

Bên cạnh đó, để cán bộ luân chuyển yên tâm công tác, Quy định số 06-QĐ/TU cũng lưu ý về chế độ, phụ cấp cho cán bộ luân chuyển và trách nhiệm của cơ quan nơi đi về vấn đề bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển. Theo đó, cơ quan nơi đến thực hiện chế độ, chính sách, bố trí nơi ở, hỗ trợ đi lại, sinh hoạt phí (nếu có) đối với cán bộ luân chuyển. Trường hợp cán bộ luân chuyển đảm nhận chức danh có chế độ, phụ cấp chức vụ thấp hơn chức danh đảm nhiệm trước khi luân chuyển thì được bảo lưu theo quy định. Đồng thời, cơ quan nơi đi phải phối hợp với cơ quan liên quan trong công tác quản lý, giám sát và giữ mối liên hệ thường xuyên với cán bộ luân chuyển; có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí hoặc đề xuất bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển.

Một số bài học kinh nghiệm

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh và lãnh đạo tỉnh kiểm tra khu vực đầu tuyến dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang_Ảnh: hagiangtv.vn

Thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh chủ chốt là cán bộ lãnh đạo quản lý không phải là người địa phương trong công tác luân chuyển cán bộ ở tỉnh Hà Giang đã tạo sự chuyển biến rõ rệt tại nhiều địa phương, góp phần đem đến những thay đổi tích cực trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khẳng định tính hiệu quả trong thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ. Từ việc thực hiện tốt chủ trương bố trí một số chức danh chủ chốt là cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương của Hà Giang, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau.

Một là, chọn các cán bộ theo cụm xã, ở các địa bàn lân cận cùng khu vực để thực hiện luân chuyển, bố trí công tác. Các cụm xã, địa bàn lân cận cùng khu vực thường có sự gần gũi về văn hóa, đặc điểm vùng, miền. Do đó, cán bộ luân chuyển trong cùng cụm xã, cùng khu vực sẽ am hiểu, dễ dàng nắm bắt về phong tục, tập quán, lối sống của cư dân trên địa bàn, có được những lợi thế nhất định trong triển khai công việc. Mặt khác, đặc trưng của các xã miền núi là địa hình phức tạp, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn; trong khi đó, chế độ lương, phụ cấp, nhất là của cán bộ cấp xã còn thấp. Vì vậy, việc lựa chọn các cán bộ theo cụm xã, cùng khu vực, như giữa các xã vùng cao với vùng cao, các xã vùng thấp với vùng thấp,… để thực hiện luân chuyển, bố trí công tác sẽ tạo điều kiện đi lại thuận lợi, có thể kết hợp hài hòa giữa công việc và gia đình, từ đó, cán bộ yên tâm công tác hơn, tập trung được nhiều thời gian cho công việc.

Hai là, quá trình luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương phải bám sát thực tiễn, có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm phát huy được năng lực, trình độ cán bộ, đáp ứng yêu cầu của địa phương. Chẳng hạn, cần lưu ý trong cơ cấu thành phần dân tộc và đặc điểm của từng địa bàn để bố trí cán bộ luân chuyển cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của nơi đến. Nếu địa bàn và thành phần dân tộc nơi đến có những điểm tương đồng nhất định với nơi đi sẽ giúp cán bộ luân chuyển có thể đem những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác trước đó nhanh chóng vận dụng vào nơi đến, từ đó phát huy được tính năng động, sáng tạo, nhạy bén của cán bộ luân chuyển. Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tế Hà Giang là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, một số địa bàn cơ sở khá phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp cận công việc của các đồng chí cán bộ luân chuyển, vì thế vị trí phó bí thư thường trực đảng ủy xã, phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã nên bố trí là người địa phương, để giúp cán bộ luân chuyển (là người đứng đầu) nhanh chóng nắm bắt được tình hình của xã, thuận lợi trong công tác lãnh đạo, quản lý. 

Ba là, việc luân chuyển cán bộ cần tính đến những đặc điểm về công việc, vị trí chức danh mà cán bộ được quy hoạch có thể được bổ nhiệm trong tương lai, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy được năng lực, sở trường và bổ sung, trau dồi những kiến thức, kỹ năng mới cho công việc sau này. Như vậy, việc thực hiện luân chuyển là “một mũi tên trúng hai đích”, vừa đào tạo, rèn luyện cán bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, để đồng thời giúp cán bộ đáp ứng đúng và đầy đủ hơn yêu cầu đối với vị trí, chức danh quy hoạch trong tương lai. 

Bốn là, quá trình luân chuyển cán bộ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, mở rộng dân chủ và có bước đi thích hợp. Đặc biệt chú ý việc quản lý, giám sát, quan tâm, tạo điều kiện đối với cán bộ luân chuyển. Trong thời gian cán bộ luân chuyển về địa phương, cấp ủy cấp trên và cùng cấp phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giúp đỡ để cán bộ kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Bên cạnh đó, cần coi trọng việc đánh giá cán bộ trong và sau luân chuyển, với những tiêu chí cụ thể. 

Năm là, việc luân chuyển cán bộ phải bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao giữa cán bộ địa phương và cán bộ ở các đơn vị được luân chuyển về. Để làm tốt điều này, cần không ngừng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về tầm quan trọng của công tác luân chuyển cán bộ. Đặc biệt, công tác luân chuyển cán bộ phải đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu./.


Nguồn: Tạp chí Cộng sản
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.203
Hôm qua : 1.586
Tháng 12 : 41.373
Năm 2024 : 978.071