A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo Quân đội Nhân dân: Hà Giang sâu nghĩa nặng tình

Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, đặc biệt là người có công trong chiến đấu bảo vệ biên giới với nhiều chương trình thiết thực.
Chúng tôi lên Hà Giang vào một ngày đầu tháng 7. Hà Giang được biết đến là tỉnh vùng cao biên giới với những danh thắng, di sản văn hóa độc đáo, giàu bản sắc dân tộc và cả những sản vật say lòng du khách. Tuy nhiên, nhân dân cả nước còn biết đến một Hà Giang cần cù, sáng tạo trong xây dựng; kiên cường, bất khuất trong kháng chiến.
 

Hà Giang sâu nghĩa nặng tình

Bộ CHQS tỉnh Hà Giang phối hợp với chính quyền các địa phương đi thăm và tặng quà gia đình người có công. 
Đặc biệt, trong cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn biên giới của Tổ quốc, Hà Giang là một trong những mặt trận nóng bỏng nhất, đồng thời cũng là nơi chịu nhiều hy sinh, mất mát nhất.
Nhiều đơn vị bộ đội chủ lực đã lên Hà Giang, sát cánh cùng quân và dân nơi đây chiến đấu bảo vệ biên giới. Tại mặt trận Vị Xuyên, hàng nghìn trận đánh vô cùng ác liệt đã diễn ra. Những hy sinh, mất mát của Hà Giang để giữ vững từng tấc đất biên cương Tổ quốc là vô cùng lớn lao. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ là con em đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang và các địa phương đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này. Toàn tỉnh hiện có 2.759 thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng...
Đặc biệt, do điều kiện chiến đấu ác liệt, bom đạn cày xới liên tục nên nhiều cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta hy sinh nhưng không lấy được thi hài. Bởi thế ngay sau cuộc chiến, tỉnh Hà Giang mà trực tiếp là Bộ CHQS tỉnh xác định đây là nhiệm vụ chính trị và đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng đặc biệt quan tâm đến công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Hà Giang đã tập trung nhiều nguồn lực cho nhiệm vụ quan trọng, ý nghĩa này. Hầu hết các liệt sĩ còn nằm trong khu vực ô nhiễm bom mìn, nên để có thể tìm kiếm, quy tập, Bộ CHQS tỉnh đã xây dựng đề án rà, phá bom mìn. Lực lượng công binh rà phá, bàn giao diện tích đất sạch đến đâu là đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ triển khai ngay đến đó. Mặc dù rất tích cực nhưng với điều kiện địa hình hiểm trở, thời tiết phức tạp nên tiến độ công việc khó đẩy nhanh. Đến nay, tại Hà Giang vẫn còn gần 2.000 liệt sĩ nằm lại nơi chiến trường chưa được tìm thấy.
Đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, tâm sự: “Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn là điều day dứt của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang. Hà Giang luôn mong muốn đưa các liệt sĩ về nhưng nơi các anh nằm là những điểm cao được ví như “lò vôi thế kỷ”, là nơi núi non hiểm trở, là rừng rậm, thung sâu và cả những bãi bom mìn, vật nổ chưa thể rà phá. Hà Giang quyết tâm huy động mọi nguồn lực để sớm hoàn thành công việc này bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm...”.
Đi đôi với tích cực đẩy nhanh nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Hà Giang luôn chú trọng giải quyết chế độ, chính sách cho người có công bảo đảm đúng, đủ, kịp thời. Mọi vướng mắc nảy sinh đều được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các cơ quan giải quyết kịp thời. Phong trào xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được đẩy mạnh theo hướng xã hội hóa, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Hà Giang đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
Vào các dịp lễ, tết, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang luôn quan tâm tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình chính sách, người có công. Hà Giang đã trao tặng hàng nghìn “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, thẻ bảo hiểm y tế. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, Hà Giang đã mua 2.550 thẻ bảo hiểm y tế tặng người có công và thân nhân người có công.
Đặc biệt, Hà Giang rất thành công trong chương trình xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công, với hơn 600 ngôi nhà đã được hoàn thành. Trung bình mỗi căn nhà trị giá 65-80 triệu đồng. Làm rõ thêm về điều này, đồng chí Đặng Quốc Khánh cho biết: Số tiền trên dùng để mua những vật liệu cần thiết. Còn lại, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Hà Giang đã huy động hàng nghìn ngày công khai thác thêm vật liệu và tổ chức xây dựng, do đó các ngôi nhà đều vững chắc, sáng đẹp, khang trang.
Trao đổi với Thượng tá Nông Thanh Dậu, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh trên đường đi dâng hương tại Đài tưởng niệm 468, chúng tôi được biết thêm, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang vừa phối hợp tìm được 10 hài cốt liệt sĩ. Lễ truy điệu và an táng 10 liệt sĩ được tổ chức trang nghiêm, thành kính, thể hiện rõ lòng tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng trọn tuổi xuân để bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Hà Giang cũng thành lập nhiều đoàn đi thăm và tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; tổ chức điểm cầu truyền hình gặp gỡ nhân chứng lịch sử...
Bài và ảnh: KIM LÂN - HUẤN TUYÊN

Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.131
Hôm qua : 1.586
Tháng 12 : 41.301
Năm 2024 : 977.999