Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền ở Việt Nam
Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện trọng trách lớn lao đối với đất nước, dân tộc. Dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, nhân dân ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là những minh chứng sinh động chỉ rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng có bản lĩnh, có trí tuệ, phấn đấu vì mục tiêu “Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, xứng đáng là Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền ở Việt Nam.
Năm 1858, Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp theo tiếng gọi “Cần Vương” do các văn thân, sĩ phu lãnh đạo đã nổ ra mạnh mẽ nhưng tất cả đều bị đàn áp đẫm máu và lần lượt tan rã. Những năm đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước chống xâm lược Pháp lại liên tục nổ ra như: Phong trào Đông Du (1905), Việt Nam Quang phục Hội (1912) do Phan Bội Châu khởi xướng; phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh phát động (1906-1908); phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) do Lương Văn Can, Nguyễn Quyền và nhiều nhân sĩ yêu nước lãnh đạo. Tất cả các phong trào đều lần lượt thất bại bởi sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù. Cuối những năm 20, đầu những năm 30 thế kỷ XX, dưới ách đô hộ, bóc lột tàn bạo của chính quyền thực dân Pháp và phong kiến Nam triều, nhiều tổ chức và đảng phái chính trị ở Việt Nam được thành lập và đều có khuynh hướng, mục tiêu đấu tranh đòi độc lập dân tộc, như: Việt Nam Nghĩa đoàn, Hội Phục Việt, Đảng Thanh niên Việt Nam, Việt Nam Quốc dân Đảng, Hội kín Nam Kỳ... Đặc biệt, nửa cuối năm 1929, đầu năm 1930, ở Việt Nam xuất hiện 03 tổ chức cộng sản là: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Sự ra đời của 03 tổ chức cộng sản đã tiếp tục thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, 03 tổ chức cộng sản lại hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau, tạo ra sự chia rẽ, mất đoàn kết, làm phân tán sức mạnh chung của phong trào, điều này nếu để lâu sẽ không có lợi cho cách mạng Việt Nam. Do đó, ngay lúc này phải thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam để có sự thống nhất về đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức và để tiếp tục đưa cách mạng tiến lên. Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất 03 tổ chức cộng sản là: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và trở thành Đảng duy nhất lãnh đạo cách mạng nước ta là tất yếu lịch sử, đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm. Tuy nhiên, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, trong nhiều giai đoạn lịch sử còn có một số đảng chính trị, tổ chức chính trị khác đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, song Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Năm 1988, Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ tuyên bố tự giải tán, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng duy nhất cầm quyền.
Từ thực tiễn lịch sử cho thấy, dù không ai tranh giành, không ai gạt bỏ, nhưng tất cả các đảng phái, tổ chức chính trị ở Việt Nam (ngoại trừ Đảng Cộng sản Việt Nam) đều không nắm được quyền lãnh đạo cách mạng. Các đảng phái, tổ chức chính trị dù là đảng của các nhân sĩ trí thức yêu nước nhiệt thành hay là đảng của giai cấp tư sản dân tộc... cơ bản đều chưa có đường lối chính trị rõ ràng, thiếu hệ thống tổ chức chặt chẽ, có những đảng viên của các tổ chức, đảng phái chính trị nói trên thiếu bản lĩnh, cơ hội... Vì thế, không đảng phái nào đủ năng lực và uy tín chính trị lãnh đạo cách mạng. Cho dù có những đảng được phép hoạt động công khai, thậm chí còn nhận được sự giúp đỡ của các thế lực ngoại bang cả về phương diện tổ chức lẫn tiền bạc (như Việt Quốc, Việt Cách...) nhưng đều thất bại và tan rã nhanh chóng. Riêng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam so với nhiều đảng phái chính trị khác có thời gian ra đời muộn hơn nhưng ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nắm được quyền lãnh đạo cách mạng, được các giai tầng xã hội thừa nhận vai trò lãnh đạo cách mạng. Để có địa vị lãnh đạo, cầm quyền duy nhất, không phải Đảng ta cứ tự nhận là được mà ngay từ những ngày đầu mới được thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định được mục tiêu cách mạng, đáp ứng được những đòi hỏi và nguyện vọng cấp bách nhất của toàn thể dân tộc Việt Nam (độc lập dân tộc), đồng thời, mục tiêu đó còn phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thời đại (thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội). Cùng với đó, Đảng đã xây dựng được đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn. Với Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt... do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (02/1930), những vấn đề cơ bản mang tính chiến lược của cách mạng Việt Nam đã được giải quyết. Bên cạnh đó, những cán bộ, đảng viên của Đảng được huấn luyện, thử thách, rèn luyện trong phong trào cách mạng, luôn bám sát thực tiễn, có đủ năng lực lãnh đạo và uy tín chính trị, không phụ lòng tin của nhân dân. Những tấm gương kiên trung của Đảng đã tỏ rõ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kiên quyết hy sinh phấn đấu làm tròn sứ mệnh lịch sử giao phó. Do đó, Đảng Cộng sản Việt Nam uy tín tập hợp được sức mạnh toàn dân tộc, lãnh đạo dân tộc đứng lên Tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong thế kỷ XX.
Hoàn thành trọng trách lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là Đảng duy nhất cầm quyền, được nhân dân Việt Nam thừa nhận, tin tưởng, ủng hộ và suy tôn, được hiến định trong Hiến pháp và pháp luật, đã nắm quyền lực Nhà nước, hóa thân vào Nhà nước nhưng không làm thay Nhà nước mà sử dụng Nhà nước, lãnh đạo Nhà nước và hệ thống chính trị để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, phấn đấu vì mục đích chung của toàn xã hội, của dân tộc Việt Nam theo phương châm: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì nhân dân… Và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân ta tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới. Sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thực tiễn đó đã khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Vai trò cầm quyền, lãnh đạo của Đảng đã được khẳng định như một tất yếu lịch sử, một sự lựa chọn đúng đắn của dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền. Với tinh thần đó, lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ đại hội, văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra cụm từ Đảng “cầm quyền, lãnh đạo” đối với Nhà nước và xã hội. Do đó, để thực hiện tốt mục tiêu Đại hội hội XIII của Đảng đề ra là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng”, từ đó góp phần phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu, đẹp thì mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thực sự mẫu mực về phẩm chất và năng lực; đức và tài, phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng; không thể sống khác, làm khác chuẩn mực đạo đức của người cộng sản, đi ngược lại giá trị và lợi ích, sự lựa chọn, niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân.
Quỳnh Như