Cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2023, tỉnh Hà Giang có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là trên 576.348 ha, cao nhất vùng Đông Bắc Bộ, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kinh tế lâm nghiệp được xác định là một động lực cơ bản, quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương; góp phần lớn trong việc tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Dưới diễn biến bất thường của thời tiết, trong thời gian cao điểm dễ phát sinh cháy rừng. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ cháy rừng với diện tích 21,8 ha. Nhằm nâng cao tinh thần chủ động, phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp như: Ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về bảo vệ rừng, phòng cháy rừng đến mọi tầng lớp Nhân dân; chi cục kiểm lầm tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát các chủ rừng; tăng cường hoạt động của tổ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cơ động; chỉ đạo lực lượng ứng trực 24/24h trong suốt thời gian cao điểm…
Trong thời gian tới, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao, theo đó, các cấp, các ngành, nhất là lực lượng Kiểm lâm cần phát huy vai trò nòng cốt trong việc triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng, trọng tâm là:
Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, như Công điện số 31/CĐ-TTg, ngày 04/4/2024, Công điện số 41/CĐ-TTg, ngày 27/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Công điện số 43/CĐ-TTg, ngày 01/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục quyết liệt triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên phạm vi cả nước; Công điện số 1225/CĐ-UBND, ngày 29/4/2024 về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Xử lý nghiêm các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng cao.
Chủ động và khẩn trương rà soát kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương với phương châm bốn tại chỗ; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đảm bảo trang thiết bị bảo hộ lao động, phòng chống khói độc, công tác hậu cần, lương thực, thực phẩm, nước uống, vật tư y tế phục vụ các lực lượng thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng.
Phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt thời gian cao điểm; kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao. Kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động các lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất; có phương án, kế hoạch di dời người dân, tài sản của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp ra khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng.Tăng cương thông tin cho người dân về dự báo, cảnh báo nguy cơ nắng nóng, nguy cơ cháy rừng.
Hoàng Hằng (BTGTU)