A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng lựa chọn cán bộ của chủ tịch Hồ Chí Minh: sự vận dụng vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

CTTBTG - Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến yếu tố con người trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, đặc biệt là vai trò của đội ngũ cán bộ. Bài viết nhấn mạnh đến tư tưởng lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nội dung cơ bản trong việc lựa chọn người trung thành và hăng hái trong công việc, người luôn quan tâm đến lợi ích của quần chúng, người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn và lựa chọn người phục tùng kỷ luật. Phương pháp phân tích tài liệu trên cơ sở sử dụng các nguồn tài liệu sẵn có. Nghiên cứu khẳng định sự sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, nhằm lựa chọn đúng cán bộ. Nghiên cứu kết luận về giá trị lịch sử cũng như giá trị thời đại trong tư tưởng lựa chọn cán bộ, cán bộ là gốc của mọi công việc, việc lựa chọn đúng cán bộ có ý nghĩa sâu sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng trước sự chống phá của các thế lực thù địch.

1. Đặt vấn đề

Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, lý luận, tính khoa học, tính cách mạng và tính nhân văn sâu sắc của Đảng không thể không nghiên cứu, nắm vững và vận dụng tư tưởng lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ vai trò của đội ngũ cán bộ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” [5, tr.309], “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” [5, tr.280], “cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được” [5, tr.68]. Mọi chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng có mối quan hệ mật thiết với việc lựa chọn đúng cán bộ, là điều kiện quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng về công tác cán bộ mà Đại hội XIII đã đề ra, góp phần củng cố và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Bộ Chính trị.

Để góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, cùng với việc học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần nghiên cứu, học tập và vận dụng đầy đủ tư tưởng lựa chọn cán bộ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra. Tư tưởng lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong nhiều bài viết, song có thể thấy rõ nhất qua tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Với bốn nội dung: lựa chọn được những người rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; lựa chọn những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng và luôn chú ý, quan tâm đến lợi ích của dân chúng; lựa chọn người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn và lựa chọn người luôn đề cao tính kỷ luật, kỷ cương. Tư tưởng lựa chọn cán bộ ngày càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc trong việc vận dụng vào thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị. Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII ngày 18 tháng 6 năm 1997 nhấn mạnh tiêu chuẩn cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018 của Đảng tiếp tục nhấn mạnh đến việc lựa chọn những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc, nhất là những người đã được thử thách qua thực tiễn, có thành tích nổi trội, có “sản phẩm” cụ thể, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng [2, tr.226].

Việc tiếp tục luận bàn về tư tưởng lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ thành quả cách mạng. Lựa chọn được đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng, có tư duy đổi mới, ra sức học tập, rèn luyện phương pháp, phong cách làm việc khoa học, sáng tạo, dân chủ, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng cần nắm vững các nội dung trong tư tưởng lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Nội dung tư tưởng lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

2.1. Lựa chọn người trung thành, hăng hái trong công việc, trong đấu tranh

Người cho rằng, Đảng trước hết cần lựa chọn “những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh” [5, tr.315]. Những người trung thành, hăng hái với công việc đồng nghĩa với việc đặt nhiệm vụ của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, toàn tâm toàn ý với công việc được giao, dù trong bất kỳ tổ chức, hoàn cảnh nào đều phải tuyệt đối trung thành, tận tụy. Trong các bài viết, bài nói chuyện với cán bộ đảng viên, quân đội nhân dân, công an nhân dân, các thầy giáo cô giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tới 16 lần căn dặn phải “tuyệt đối trung thành” với Đảng, với nhân dân: “Một người cách mạng bao giờ cũng phải trung thành, hăng hái, xem lợi ích của Đảng và dân tộc quý hơn tính mệnh của mình” [5, tr.299].

Người trung thành, hăng hái trong công việc, trong đấu tranh sẽ không ngại va chạm để bảo vệ lẽ phải, thẳng thắn nói lên sự thật, không dấu diếm sai lầm, khuyết điểm. Đấu tranh không phải để phủ định mà đó là bảo vệ lẽ phải để tiến bộ, những người có khuyết điểm, sai lầm biết để kịp thời khắc phục, sửa chữa. Đấu tranh còn là cách để khắc phục tính kiêu ngạo, Người nhấn mạnh thói “kiêu ngạo” để nói về những khuyết điểm, căn bệnh mà cán bộ phải tránh, thói kiêu ngạo sẽ tạo ra cho mình kẻ thù, sẽ làm mất lòng tin của nhân dân, đó là bước đầu dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Vì vậy, cán bộ đảng viên phải “tẩy sạch óc kiêu ngạo” [5, tr.120], người không kiêu ngạo luôn đứng về lẽ phải, đứng về chính nghĩa. Người khuyên “cán bộ trẻ không được kiêu ngạo” [14, tr.279], với “người lãnh đạo không nên kiêu ngạo” [3, tr.325], kiêu ngạo còn là biểu hiện của cá nhân chủ nghĩa, thói ích kỷ, hẹp hòi, người có thói kiêu ngạo sẽ thiếu trung thực với chính bản thân, với đồng sự, như vậy sẽ thiếu trung thành với lợi ích của Đảng, của nhân dân. Khi lựa chọn cán bộ, người trung thành, hăng hái trong công việc, trong đấu tranh sẽ trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sẽ phấn đấu vì lợi ích chung của quần chúng nhân dân, tận tụy với Đảng, tận tâm với nhân dân, bất cứ việc gì việc gì có lợi cho dân họ cũng hết sức để làm và ra sức làm cho kỳ được.

Học tập và quán triệt tư tưởng lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định, để lựa chọn được người trung thành, hăng hái trong công việc, trong đấu tranh, trước hết người làm công tác cán bộ phải “trung thành, trung thực, gương mẫu, trong sáng, tinh thông”. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh “phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng” [2, tr.226]. Nền tảng tư tưởng của Đảng có mối quan hệ mật thiết với công tác cán bộ, với việc lựa chọn đúng cán bộ.

2.2. Lựa chọn người liên hệ mật thiết với quần chúng, hiểu biết quần chúng và luôn quan tâm đến lợi ích của quần chúng

Người cho rằng, lựa chọn cán bộ phải tìm được người vừa phải trung thành, hăng hái, vừa phải là những người có liên hệ mật thiết với quần chúng. Người đã dẫn chứng nhiều phong trào cách mạng thắng lợi chính là tinh thần “đoàn kết chặt chẽ, liên hệ mật thiết với quần chúng” [13, tr.28]. Cán bộ đảng viên liên hệ mật thiết với quần chúng thì mới có thể hiểu biết quần chúng cũng như luôn quan tâm đến lợi ích của quần chúng, như vậy quần chúng mới tin tưởng, giao phó nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng cho cán bộ đảng viên: “Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ” [5, tr.315]. Người chăm nghiên cứu, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ nhất quán trong việc đề xuất chủ trương, đường lối lãnh đạo đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân sẽ được nhân dân tin tưởng và ủng hộ. Bên cạnh đó, Người nhấn mạnh đến ý nghĩa, vai trò sáng suốt của quần chúng nhân dân về phương pháp giải quyết tình huống: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra” [5, tr.335], cán bộ gần dân, sát dân còn để học hỏi điều hay, kinh nghiệm ở quần chúng nhân dân.

Không chỉ trung thành, hăng hái trong công việc, trong đấu tranh, mọi việc làm của cán bộ đảng viên đều phải được “dân yêu, dân tin, dân phục” [6, tr.362]. Muốn vậy “cán bộ phải đi sát nhân dân, học dân” [6, tr.362]. Liên hệ với quần chúng vừa để hiểu biết quần chúng, để phục vụ cho quần chúng, quan tâm đến lợi ích của quần chúng, từ đó ra quyết định lãnh đạo cho đúng, vì kinh nghiệm của bản thân là chưa đủ, cán bộ còn phải dùng kinh nghiệm của dân chúng. Hơn nữa, quần chúng là chủ thể chịu đựng kết quả của hoạt động lãnh đạo và để hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo, không có quần chúng giúp sức thì khó có thể hoàn thành tốt chức trách trước Đảng, Nhà nước và trước nhân dân. Người căn dặn lãnh đạo đúng phải dựa vào nhân dân, có sự trợ giúp của nhân dân, nhưng phải hết lòng hết sức vì nhân dân “Đã phụng sự nhân dân, thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh” [6, tr.432].

Cán bộ quan tâm đến lợi ích của dân chúng sẽ được nhân dân ủng hộ. Cán bộ phải dốc lòng dốc sức phục vụ nhân dân, quan tâm đến lợi ích của nhân dân “bao nhiêu lợi ích đều vì dân” [6, tr.232]. Người cho rằng quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng vô tận, sự nghiệp cách mạng chỉ có thể thành công khi có sự ủng của quần chúng, “khó trăm lần dân liệu cũng xong” [14, tr.280]. Tuy nhiên, mọi phong trào cách mạng đều cần có người khởi xướng, người tổ chức, đó là cán bộ đảng viên và để dân tin, dân ủng hộ nhất thiết phải giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng “được lòng dân, thì việc gì cũng làm được” [8, tr.163]. Ngược lại, không liên hệ mật thiết với quần chúng sẽ không hiểu biết quần chúng, từ đó sinh ra bệnh quan liêu, ích kỷ, hẹp hòi, duy ý chí, đánh mất bản chất cách mạng, đó là điểm yếu kẻ thù dễ lợi dụng làm tha hóa cán bộ, nhằm chia rẽ cán bộ với nhân nhân. Cán bộ đảng viên đứng về phía quần chúng, gắn bó mật thiết với quần chúng, luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân thì không thế lực thù địch nào có thể lay chuyển.

2.3. Lựa chọn người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn

Lựa chọn được cán bộ có tài nhưng tài không được sử dụng hoặc sử dụng không đúng việc đều có thể dẫn đến thất bại. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khuyên “dùng cán bộ không đúng tài năng của họ, cũng là một cớ thất bại” [5, tr.283]. Khi dùng cán bộ phải có sự tin tưởng để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng giao việc khó để cán bộ trưởng thành, qua thực tiễn cán bộ tổng kết, đúc rút kinh nghiệm “bất kỳ ai, có khả năng, đủ tiêu chuẩn, cần cho nhu cầu của cách mạng là phải dùng” [12, tr.275]. Người luôn khuyến khích cán bộ nhiệt tình, có trách nhiệm cao với công việc chung, đồng thời bảo vệ dám xả thân vì đất nước, vì dân tộc.

Người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn không được do dự, quyết đoán. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong hoàn cảnh khó khăn, do dự là hỏng hết, phải quyết đoán mau chóng, nhưng phải sáng tạo, để quyết định đúng đắn phải hỏi kinh nghiệm của quần chúng nhân dân. Trong việc lựa chọn cán bộ, cần mạnh dạn lựa chọn người “có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì, thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn” [5, tr.117]. Đảng, nhân dân luôn cần những người tận tụy với sự nghiệp cách mạng, với công việc được, cán bộ vì nhân dân phục vụ, nhưng khi có khuyết điểm, sai lầm thì “cả quyết sửa lỗi” [3, tr.280], không được bao biện, đổ lỗi cho khách quan. Khẳng định vai trò và tính hệ trọng của việc lựa chọn cán bộ cho Đảng, cho cách mạng, V.I. Lênin đã chỉ dẫn phải “tìm những cán bộ có bản lĩnh,... đó là then chốt; nếu không thì mọi mệnh lệnh và quyết định chỉ là mớ giấy lộn” [15, tr.499]. Người dám đương đầu với khó khăn, thử thách rất có thể có khuyết điểm, do đó Đại hội XIII đưa ra chủ trương xây dựng Đảng về cán bộ, chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Người có bản lĩnh sẽ có đủ dũng khí, có đạo đức cách mạng, khiêm tốn, cầu thị, không phô trương nhưng dám nghĩ, dám làm, dám dấn thấn đấu tranh với cái sai, bảo vệ lẽ phải. Người đã gợi ý Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt” [5, tr.318]. Người lãnh đạo có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn thất bại không hoang mang, thắng lợi không kiêu ngạo, trong công việc luôn có chí khí, bản lĩnh, gan góc, không sợ khó khăn “Phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân” [13, tr.110]. Từ đó, nhân dân noi gương theo cán bộ đảng viên, tin và làm theo cán bộ, tạo nên sự hoàn quyện, gắn bó máu thịt giữa ý Đảng và lòng dân, tăng cường tính đoàn kết giữa cán Đảng với nhân dân.

2.4. Lựa chọn người đề cao ý thức và thực hành kỷ luật, kỷ cương

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn mỗi cán bộ đảng viên trong thực thi công vụ phải “giữ nghiêm kỷ luật, chấp hành tốt mọi chính sách” [14, tr.577]. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp trong hệ thống chính trị luôn phải đề cao ý thức và thực hành kỷ luật, kỷ cương, thực hành chuẩn mực đạo đức cách mạng, việc đề cao tinh thần kỷ luật kỷ cương đồng thời đề cao tính dân chủ, dân chủ vẫn phải nghiêm minh trong kỷ luật kỷ cương, đó là thống nhất trong hoạt động lãnh đạo của cán bộ lãnh đạo: “Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật” [13, tr.574]. Cho đến nay, việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương được Đại hội XIII của Đảng xác định nhằm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Cán bộ chấp hành kỷ luật, kỷ cương trước hết xuất phát từ tính tự giác, tự nguyện, mỗi cán bộ đảng viên phải giữ vững nguyên tắc “đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau” [5, tr.291].

Người khuyên nhủ với cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo đề cao kỷ luật. Trước hết để làm gương, nêu gương trước quần chúng nhân dân, đó là cách xây dựng Đảng vững mạnh, cán bộ đảng viên khônglợi ích nhóm”, không vì lợi ích cá nhân mà vi phạm kỷ luật, kỷ cương làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, uy tín của bản thân. Những người đề cao ý thức và thực hành kỷ luật, kỷ cương luôn xả thân cho lý tưởng của Đảng, cho lẽ phải, sự công bằng và tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, quá thiên về kỷ luật, kỷ cương dễ dẫn đến máy móc, cứng nhắc, thiếu sự linh hoạt, do vậy đề cao kỷ luật, kỷ cương là để đề cao trách nhiệm với công việc, lãnh đạo bằng khoa học, sự gương mẫu về đạo đức, Người căn dặn: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa” [tập 12, tr.604], tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải xuất phát từ pháp chế xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, từ tư tưởng khoan dung Hồ Chí Minh.

Nghiêm minh thực hành kỷ luật, kỷ cương còn là cách để cán bộ đảng viên tự bảo vệ bản thân trước “căn bệnh” quan liêu, tham nhũng, không bị cám dỗ bởi lợi ích vật, giữ vững bản lĩnh cách mạng, luôn nghĩ đến Đảng, đến lợi ích của dân tộc, thượng tôn pháp luật, khi có những thiếu sót khuyết điểm không đổ lỗi do cơ chế hay hoàn cảnh khách quan, chủ động rèn luyện rèn luyện, tu dưỡng nhân cách của người cách mạng, tận tụy phục vụ nhân dân, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng “dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

3. Sự vận dụng tư tưởng lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

3.1. Một số cách chống phá của các thế lực thù địch trong công tác cán bộ của Đảng

Các thế lực thù địch luôn tìm kiếm, mở rộng cách cách thức chống phá nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, một trong những cách thức khó lường, tinh vi và thâm độc nhất chính là cách thức dựa vào chính đội ngũ cán bộ đảng viên trong bộ máy của Đảng.

Xuyên tạc, bôi nhọ công tác cán bộ của Đảng nhằm gây mâu thuẫn nội bộ, chia rẽ lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước. Từ những thiếu sót trong nội bộ, các thế lực bình luận với lời lẽ xuyên tạc, đưa tin, viết bài trên các phương tiện truyền thông, nhằm làm cho những tư tưởng này thâm nhập vào quần chúng. Chúng đặc biệt nhắm vào đảng viên bị xử lý kỷ luật trong thời gian vừa qua làm tâm điểm để gây sự chú ý của công chúng. Các thế lực thù địch rất nhạy bén nắm bắt cơ hội và quy chụp mọi khuyết điểm, sai lầm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triệt để lợi dụng, khai thác và quy chụp mọi sai lầm, khuyết điểm của Đảng đều do công tác cán bộ. Với thủ đoạn diễn đạt lại, sắp xếp lại ngôn từ mà các cán bộ lãnh đạo phát biểu, các cơ quan truyền thông đưa tin, làm cho một bộ phận cán bộ đảng viên, nhân dân bị tác động tâm lý dẫn tới nhận thức sai lầm, không phân biệt rõ đúng - sai, dẫn đến sự thâm nhập của các tư tưởng độc hại, tiêu cực có thể nảy sinh và phát triển. Đây là vấn đề cần được kịp thời nhận diện để có biện pháp giáo dục, tuyền truyền nâng cao nhận thức, rèn luyện bản lĩnh, đạo đức cách mạng của cán bộ đảng viên.

Các thế lực thù địch rất nhạy bén trong phát hiện, tìm kiếm những cán bộ đảng viên lập trường không rõ ràng, do dự trong lãnh đạo, chỉ đạo, không kiên định trong nhận thức và hành động. Các thế lực thù địch nhanh chóng làm quen, tìm cách mua chuộc những cán bộ đảng viên này bằng lợi ích vật chất, từ đó đưa vào bộ máy những cán bộ tha hóa, thấy đúng không dám đấu tranh để bảo vệ cho lẽ phải, thấy sai thì bỏ qua, tìm cách vun vén lợi ích cá nhân. Vừa để làm tròn vai, vừa để mưu cầu lợi ích, dần dần đánh mất tinh thần phục vụ nhân dân, dẫn đến biểu hiện tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, hình thành lối sống tiêu cực, từng bước bị chuyển hóa, đặc biệt là chuyển hóa tư tưởng chính trị theo ý đồ của các thế lực thù địch, thậm chí có thể phụ thuộc, bị theo dõi, kiểm soát.

Cán bộ đảng viên quan liêu, độc đoán, thiếu tinh thần dân chủ được các thế lực thù địch ra sức tìm kiếm, chiêu mộ. Quan liêu, độc đoán là biểu hiện của thói gia trưởng, hách dịch, cửa quyền, những cán bộ đảng viên như vậy sẽ không hết lòng vì nhân dân phục vụ, không thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, đồng thời né tránh tiếp xúc với nhân dân nhằm tránh tai mắt của nhân dân, nhất là cán bộ đảng viên có khuyết điểm, làm mất niềm tin của nhân dân. Biểu hiện là các hành vi vi phạm kỷ luật, coi thường kỷ luật kỷ cương của Đảng, vi phạm pháp luật, khó khăn thì né tránh, có lợi ích cho bản thân và gia đình thì quyết dành lấy. Các thế lực thù địch sẽ nhanh chóng tìm cách lôi kéo, kích động, khoét sâu sự ngăn cách giữa cán bộ đảng viên với nhân dân từ chính những đảng viên bị tha hóa.

Các thế lực thù địch còn tìm cách kết nối với một số cán bộ đảng viên luôn say sưa với thành tích cá nhân. Ban đầu chúng tiếp cận bằng cách viết bài ca ngợi, tôn vinh trên các phương tiện truyền thông để tạo tâm lý tin tưởng của nhân dân, tạo dấu ấn, thiện cảm của nhân dân, mượn danh “người tốt việc tốt” để lôi kéo, dụ dỗ rất khéo léo. Cán bộ đảng viên được thế lực thù địch ngợi ca và say sưa với thành tích, cứ như vậy bị cuốn theo các hoạt động của các thế lực thù địch mà không còn say sưa và trung thành với sự nghiệp cách mạng, trở thành những kẻ cơ hội, cá nhân chủ nghĩa, quay lưng lại với nhân dân, tiếp tay cho thế lực thù địch, thậm chí không nhận ra bản thân đang bị thế lực thù địch lợi dụng.

Sự chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng của các thế lực thù địch vô cùng tinh vi, xảo quyệt, cách thức chống phá rất linh hoạt, đa dạng, khéo léo, kiên trì, cộng hưởng nhiều cách thức tạo nên chất xúc tác mạnh cho việc chống phá. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng một cách chắc chắn, bền vững, không thế lực nào có thể lay chuyển chính là lựa chọn những cán bộ trung thành, tận tụy với Đảng, hết lòng với Tổ quốc và với nhân dân. Kế thừa, vận dụng tư tưởng lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ và cũng là giải pháp quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng.

3.2. Vận dụng tư tưởng lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Từ tư tưởng về công tác cán bộ cũng như lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018 đặt ra yêu cầu “cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân”, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt”, “đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp... thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân” [3, tr.226]. Cán bộ cần được lựa chọn cẩn trọng, kỹ lưỡng, không chạy theo số lượng mà cần quý trọng chất lượng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” [6, tr.362], Dùng đúng tài năng thì thành công; dùng sai tài năng thì hỏng việc” [5, tr.694], cán bộ được lựa chọn phải thực sự là hạt nhân tiêu biểu, có đức, có tài, có năng lực tập hợp và huy động lực lượng quần chúng nhân dân. Vận dụng tư tưởng lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng trở thành kim chỉ nam để có đội ngũ cán bộ thực sự “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” [14, tr.612]. Người căn dặn “cán bộ và đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đầy tớ hết sức trung thành của nhân dân” [12, tr.107]. Vận dụng tư tưởng lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Lựa chọn cán bộ có đạo đức cách mạng. Cán bộ có đạo đức cách mạng sẽ không bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, để người tốt có chỗ dựa, người xấu không dám lợi dụng, cán bộ có đạo đức sẽ gương mẫu. Cán bộ gương mẫu sẽ đáp ứng tốt 3 tiêu chuẩn trong tư tưởng lựa chọn cán bộ của Người đó là, trung thành với cách mạng, luôn giữ mối liên hệ mật thiết với quần chúng và luôn cống hiến vì lợi ích của quần chúng, “lãnh đạo bằng sự gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất, hợp với lòng dân và được lòng dân nhất” [1]. Người đề cao nguyên tắc “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” [5, tr.292]. Cán bộ phải có đạo đức cách mạng, đó không phải là đạo đức thông thường, mà đó là những chuẩn mực cao mới có khả năng quy tụ quần chúng nhân dân, để có đạo đức cách mạng mỗi cán bộ đảng viên phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra yêu cầu “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không” [9, tr.354]. Cán bộ nhất định phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng để phát huy dân chủ, để tập hợp trí tuệ, để không phạm sai lầm, để đoàn kết nội bộ, luôn giữ được tính tự trọng, khiêm nhường, kiên trì, khoan dung, mềm dẻo, tâm tĩnh nhưng không cứng nhắc, không bảo thủ, để không tư tưởng tiêu cực nào có thể làm lay chuyển đạo đức cách mạng, tâm không động trước danh vọng do tham lam mà có.

Lựa chọn cán bộ có tài, năng động, sáng tạo, có bản lĩnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn. Cán bộ có tài để nhìn xa trông rộng, dự báo xu thế biến đổi tình hình thực tiễn trong nước và thế giới để kịp thời ứng phó chủ động. Cán bộ có tài sẽ phương pháp tập hợp, quy tụ được người tài và sử dụng người tài đúng chỗ, đúng việc. Lựa chọn người tài, có bản lĩnh, khí phách để lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, dám đột phá, dám đưa ý tưởng mới vì lợi ích của quần chúng nhân dân. Cán bộ có tài để phát huy những nhân tố tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn, kịp thời phát hiện, dự báo những yếu tố tiêu cực còn tiềm tàng từ sớm, từ xa, nhất là những tư tưởng tiêu cực, lệch lạch. Người căn dặn cán bộ “phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt” [5, tr.319]. Cán bộ có tài là “cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc” [5, tr.319]. Người tài để giúp sức cho dân, giúp sức cho nước, để lo gách vách trách nhiệm của nhân dân giao phó, người tài để có bản lĩnh dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám phụ trách những việc có ích cho Đảng, cho dân, có ích cho nước. Người tài cũng sẽ sáng suốt trong lựa chọn cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về những điều cần tránh: dùng người bà con, dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, dùng những người tính tình hợp với mình.

Lựa chọn cán bộ luôn nghiêm minh trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương. Đảng cần tuyển chọn được những cán bộ không chỉ có đạo đức cách mạng, có tài, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn mà còn phải giữ vững kỷ luật, kỷ cương để bản thân không bị tha hóa, giữ vững uy tín của bản thân trước Đảng, trước nhân dân. Các thế lực thù địch luôn tìm kiếm những cán bộ dễ suy thoái về lập trường, dễ thỏa hiệp với cái sai, cái xấu để truyền bá những quan điểm, tư tưởng tiêu cực. Cán bộ đảng viên nghiêm minh trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương sẽ có trách nhiệm trong công việc, gương mẫu trong lối sống, có lương tâm của người đảng viên. Ngược lại, cán bộ không gương mẫu dễ sa sút về đạo đức, dễ phai nhạt lý tưởng cách mạng. Đảng đã cảnh báo “nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu,... suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đó là những cán bộ mà các thế lực thù địch luôn tìm kiếm để lợi dụng, mua chuộc bằng các lợi ích vật chất. Vì vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần lựa chọn được cán bộ đảng viên kiên trung, cán bộ nghiêm minh trong kỷ luật, kỷ cương.

4. Kết luận

Tư tưởng lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam định hướng cho Đảng và cho hệ thống chính trị trong lựa chọn cán bộ. Tư tưởng lựa chọn cán bộ được trải rộng trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, nhưng rõ nhất và cụ thể nhất có thể thấy qua tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với việc lựa chọn được những cán bộ đảng viên kiên trung, hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh, lựa chọn những cán bộ đảng viên luôn quan tâm đến lợi ích của dân chúng, những người có thể đảm trách giải quyết công việc với nhiều áp lực và thử thách và cuối cùng là lựa chọn cán bộ đảng viên giữ đúng kỷ luật kỷ cương. Các thế lực thù địch ngày càng đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng trên mọi lĩnh vực, bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi và thâm độc, với việc phát huy và vận dụng đầy đủ tưởng lựa chọn cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí minh, Đảng, nhân dân sẽ có đội ngũ cán bộ kiên trung, đó là những cán bộ vừa có đức, có tài, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm không động lòng không si, là lực lượng tin cậy trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng lựa chọn cán bộ của Người ngày càng được thực tiễn khẳng định tính đúng đắn, trở thành kim chỉ nam để có đội ngũ cán bộ có chất lượng. Thấm nhuần tư tưởng lựa chọn cán bộ, Đảng cần tiếp tục bổ sung, vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn cách mạng nước ta, nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trước các thế lực thù địch.

 

Nguyễn Hải Thanh

Viện Lãnh đạo học và chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

--------------------------------------------------

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Chấp hành Trung ương (2016), Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 29 tháng 10 năm 2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Hà Nội.
  2. Ban Chấp hành Trung ương (2018), Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Hà Nội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
  6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  7. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  8. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  9. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  10. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  11. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  12. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  13. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  14. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  15. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  16. V.I. Lênin (1974), Toàn tập, tập 44, Nxb Tiến bộ, Mátcơva, tr.499.

Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.700
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.484
Năm 2024 : 512.830