A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Sự cần thiết đẩy mạnh xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Công tác tuyên truyền là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, có nhiệm vụ phổ biến, truyền bá hệ tư tưởng, chủ trương, đường lối, nghị quyết… của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng Nhân dân. Cùng với các công cụ, phương tiện tuyên truyền khác, tuyên truyền miệng có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần truyền bá sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là sợi dây nối liền Đảng với Nhân dân, Nhà nước với công dân, Trung ương, địa phương với cơ sở, tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tuyên truyền là đem lại một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân làm”.  

Qua các kỳ đại hội của Đảng, quan điểm về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền được thể hiện ngày càng rõ và sâu sắc. Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã chỉ rõ: Toàn Đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước mà trực tiếp tuyên truyền cho quần chúng; phải tăng cường lãnh đạo và đổi mới có hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, trong đó báo cáo viên, tuyên truyền viên là bộ phận quan trọng nhất; Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 05/02/2024 về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới…

Đ/c Nguyễn Khánh Lâm, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Ban  Thường trực BTG Tỉnh ủy, Báo cáo viên Trung ương báo cáo tại Hội nghị quán triệt các văn bản của tỉnh           

Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, những năm qua Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền. Đặc biệt, sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, tỉnh đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định rõ lực lượng nòng cốt trong binh chủng tuyên truyền là đội ngũ báo cáo viên, đặc biệt là đội ngũ tuyên truyền viên các cấp trong tỉnh. Từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên và công tác tuyên truyền miệng từng bước được đổi mới về nội dung và hình thức, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền nói chung, tuyên truyền miệng nói riêng, truyền bá các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, đấu tranh sắc bén trước các quan điểm sai trái của các thế lục thù địch, vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đ/c Phạm Văn Tú, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy huyện Mèo Vạc quán triệt các nội dung tại Hội nghị báo cáo viên cấp huyện

Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh có gần 5.000 báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng, cụ thể: Báo cáo viên Trung ương của tỉnh 05 đồng chí; báo cáo viên cấp tỉnh 41 đồng chí; báo cáo viên cấp huyện và tương đương có 364 đồng chí và 4.221 tuyên truyền viên cơ sở. Cơ cấu thành phần, số lượng báo cáo viên cấp tỉnh, huyện và tương đương thực hiện theo đúng quy định của Trung ương, 100% báo cáo viên có trình độ đại học và sau đại học; đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt cấp xã, phường, thị trấn được lựa chọn từ các thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị của địa phương đảm bảo các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, có tính đại diện cho thành phần dân tộc, địa phương, khu vực sinh sống và hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền. Để đảm bảo tính chỉ đạo, định hướng thông tin, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của tỉnh đã có nhiều đổi mới trong việc thông tin đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tình hình thời sự quốc tế, trong nước; phổ biến, giải thích các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách lớn, mới ban hành, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Trong hoạt động, đội ngũ báo cáo viên các cấp luôn chấp hành và thực hiện tốt quy chế hoạt động và giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, cung cấp thông tin trong nội bộ Đảng; chủ động nghiên cứu tài liệu, cập nhật thông tin, chuẩn bị chu đáo các nội dung được phân công truyền đạt tại hội nghị; nhiều báo cáo viên có phương pháp truyền đạt dễ hiểu, hấp dẫn, nội dung thông tin mang tính thời sự, có liên hệ sát với tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị, qua đó đã tạo được uy tín và hấp dẫn người nghe; nhiều báo cáo viên đã chủ động áp dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin vào trong hoạt động tuyên truyền miệng thông qua các trang thiết bị hỗ trợ, kỹ thuật trình chiếu với hình ảnh, âm thanh sinh động, dễ hiểu, tạo thêm sự hứng thú cho người nghe, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng.

Để làm tốt hơn nhiệm vụ công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh và địa phương, trong thời gian tới cấp ủy các cấp cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, thường xuyên đổi mới, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ và người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp về vai trò, vị trí, chức năng của hoạt động tuyên truyền miệng. Coi hoạt động tuyên truyền miệng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cấp uỷ, qua đó kịp thời nắm và định hướng thông tin, phát hiện và xử lý những thông tin sai lệch; phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa từ cơ sở; chủ động bố trí, sắp xếp, xây dựng và kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên của cấp mình đảm bảo cơ cấu, số lượng hợp lý và bồi dưỡng nâng cao chất lượng tuyên truyền viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở thôn, tổ dân phố đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền tại cơ sở; chú trọng gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, cung cấp thông tin cho lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, tổ dân phố.

Hai là, cấp ủy huyện, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên đảm bảo có chất lượng; quán triệt, nâng cao nhận thức của tổ chức đảng về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền nói chung, xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng nói riêng; công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị phải được thực hiện ngay trong nội bộ Đảng và trong Nhân dân. Đảng ủy xã, phường, thị trấn chỉ đạo lựa chọn và ra quyết định thành lập lực lượng nòng cốt tuyên truyền ở thôn, tổ dân phố đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn.

Ba là, hàng năm, ban tuyên giáo các cấp chủ động rà soát, tham mưu, đề xuất cho cấp ủy huyện, thành phố kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, phương pháp tuyên truyền miệng; kịp thời định hướng công tác tuyên truyền cho lực lượng nòng cốt tại các thôn, tổ dân phố thông qua văn bản, qua tổ chức các hội nghị thông tin chuyên đề… để đảm bảo tính thống nhất các thông tin; thường xuyên cung cấp các tài liệu có tính phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các mô hình, cách làm hay… Gắn việc đào tạo, bồi dưỡng các phương pháp, kỹ năng tuyên truyền miệng với chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục…

Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên; nội dung tuyên truyền miệng cần bao hàm một cơ cấu thông tin hợp lý, cân đối, phù hợp giữa thông tin chính trị, thông tin kinh tế với thông tin văn hóa, khoa học - kỹ thuật; giữa thông tin về các vấn đề trong nước với các vấn đề quốc tế; giữa vấn đề toàn quốc với nhiệm vụ chính trị của địa phương, từng cơ sở. Coi trọng việc thông tin về những chủ trương, chính sách lớn, mới của Đảng và Nhà nước; những sự kiện chính trị quan trọng trong nước; những vấn đề mà xã hội quan tâm; những gương người tốt, việc tốt; những điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội...

Năm là, cấp ủy chính quyền các cấp cần có cơ chế, chính sách áp dụng mức chi thù lao có tính chất đặc thù cho lực lượng nòng cốt tuyên tuyền miệng ở thôn, tổ dân phố và được hỗ trợ công tác phí khi thực hiện nhiệm vụ do cấp ủy, chính quyền giao.

Sáu là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo hoạt động của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở thôn, tổ dân phố, kịp thời nhắc nhở, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, hoạt động kém hiệu quả; kịp thời thay thế đối với những cá nhân hoạt động không hiệu quả.


Tác giả: Hoàng Quân
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.207
Hôm qua : 1.586
Tháng 12 : 41.377
Năm 2024 : 978.075