A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số giải pháp, lấy văn hóa là sức mạnh nội sinh thúc đẩy ngành du lịch Hà Giang phát triển, giúp người dân đảm bảo an sinh xã hội

Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, du lịch văn hóa được xác định là 1/13 ngành phát triển công nghiệp văn hóa. Với tiềm năng di sản văn hóa phong phú, việc khai thác văn hóa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch.

Hà Giang là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, với 19 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc trong tỉnh đều mang cho mình những giá trị văn hóa riêng, độc đáo, giàu bản sắc, đậm tính nhân văn; đây là sức mạnh nội sinh, là động lực quan trọng góp phần xây dựng Hà Giang phát triển bền vững. Tuy nhiên để phát huy được những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, như: Nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa chưa nhiều, chưa có giải pháp đột phá để huy động hiệu quả nguồn lực xã hội; Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc còn thiếu đồng bộ và chưa bền vững; kiến trúc, ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, phong tục, tập quán tốt đẹp của một số dân tộc thiểu số có xu hướng mai một; vẫn còn tồn tại một số phong tập quán lạc hậu trong các gia đình, dòng họ; việc thực hiện nhiệm vụ phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra...

Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có 32 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó 8 di sản dân tộc Bố Y, Lô Lô và Pu Péo, Cờ Lao có số dân dưới 10.000 người được đưa vào danh mục. Có thể thấy, trong thời gian qua đã thực hiện tốt việc lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền để tôn vinh và phát huy di sản văn hóa để góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân; giáo dục, kế thừa, giữ gìn truyền thống quý báo về giá trị văn hóa lịch sử cho các dân tộc ở Hà Giang, đồng thời từng bước ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, tăng cường khối đại đoàn kết trong tỉnh. Ngoài những di sản văn hóa, Hà Giang còn được thiên nhiên ban tặng nhiều phong cảnh đẹp mê hồn lòng người như Núi Đôi Quản Bạ, Công viên địa chất toàn cầu Cao Nguyên Đá Đồng Văn, Hẻm vực Tu Sản, Sông Nho Quế, bên cạnh đó là những hang động nguyên sơ đẹp lộng lẫy trong các ngọn núi tai mèo (Hang động Lùng Khúy Quản Bạ; Hang Nà Luông, Hang Động én huyện Yên Minh…). Từ những di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc, vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ đã tạo cho Hà Giang một bức tranh du lịch giàu bản sắc dân tộc, giàu cảnh quan để du khách tới khám phá, tham quan.

 Trong những năm gần đây với tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, con người, cảnh quan đặc biệt là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao Nguyên đá Đồng văn được tái đánh giá… Hà Giang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan và trải nghiệm. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024 Hà Giang đón gần 1,7 triệu lượt du khách, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 52,8% kế hoạch năm. Trong đó có gần 223.000 lượt khách quốc tế và trên 1,4 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 4.000 tỷ đồng.

Làng Lô Lô Chải xã Lũng cú, huyện Đồng Văn bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống để phát triển du lịch, Ảnh: sưu tầm

 Nhận thức được những tiền năng lợi thế, cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc lấy văn hóa làm nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là lấy văn hóa làm động lực cho ngành du lịch của tỉnh, ngày 05/4/2024 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị Quyết số 39-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, giai đoạn 2024-2030. Nghị quyết số 39-NQ/TU được coi là nền tảng sức mạnh tinh thần cho công cuộc xây dựng văn hóa của tỉnh, lấy đó là động lực, là sức mạnh nội sinh để đưa ngành văn hóa đột phá phát triển phù hợp với tình hình mới. Để văn hóa thật sự trở thành nội sinh thúc đẩy ngành du lịch Hà Giang phát triển bền vững trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, Đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền Nghị Quyết số 39-NQ/TU, ngày 05/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, giai đoạn 2024-2030 đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, cụ thể hóa Nghị quyết bằng những chương trình hành động, làm từng bước, theo từng lộ trình. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy trong các nhà trường. Việc bảo tồn văn hóa có vai trò gìn giữ những nét đẹp truyền thống văn hóa của các dân tộc, khi văn hóa được bảo tồn thì văn hóa sẽ trở thành động lực, củng cố sự đoàn kết, là nền móng cho sự phát triển của con người hướng tới chân, thiện, mỹ giúp các em học sinh nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong công tác bảo tồn văn hóa.

Hai là, Mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng dân cư cần phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc, từng cộng đồng dân cư; tích cực xóa bỏ những hủ tục, phong tục lạc hậu không còn phù hợp với tình hình mới. Cùng nhau xây dựng một môi trường sống lành mạnh, một không gian sống đậm đà bản sắc dân tộc. Mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng cần phải chủ động lấy văn hóa làm động lực để phục vụ phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới (xây dựng các đội văn nghệ phục vụ du khách tại các điểm dừng chân du lịch; không để trẻ em đến chèo kéo, xin tiền khách du lịch; tập trung xây dựng chuỗi liên kết tạo ra các chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng văn hóa của từng cộng đồng dân tộc để bán cho du khách làm quà lưu niệm...). Tạo điều kiện cho con em trong độ tuổi đi học các lớp văn hóa, quản lý văn hóa, hướng dẫn viên du lịch tại các trung tâm, các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh để có được nguồn lực cho công tác phát triển, bảo tồn văn hóa trong thời gian tới.

Ba là, Cần quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với từng địa phương, dân tộc trong việc bảo tồn văn hóa, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, nhà truyền thống. Có chủ trương hỗ trợ đặc thù cho các dân tộc ít người bảo tồn văn hóa, hướng dẫn họ lưu giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc, từ đó biết lấy văn hóa của mình để phát triển du lịch; đưa vào vùng quy hoạch, xây dựng các khu Homestay của từng dân tộc gắn với bảo tồn văn hóa của từng dân tộc để phục vụ du khách đến tham quan, khám phá và trải nghiệm.

Xây dựng các sản phẩm phục vụ du khách từ vải lanh của hợp tác xã Lùng Tám, Quản Bạ

Bốn là, Tập trung xây dựng những làng, bản, thôn văn hóa: Thực tế cho thấy mỗi làng, bản, thôn, xóm… đều là nơi gìn giữ, bảo lưu kho tàng văn hóa dân gian phong phú với những tập quán, phong tục, nếp sống, lễ hội... tạo nên một cộng đồng dân cư văn hóa vững chắc. Nếp sống văn hóa của cộng đồng chính là bộ mặt xã hội. Từ một gia đình văn hóa sẽ là một tế bào của cộng đồng văn hóa, một cộng đồng thôn, bản văn hóa sẽ là một tế bào sống của một xã hội văn hóa. Để xây dựng được làng, bản, thôn văn hóa cần phải sự vào cuộc của các tổ chức cơ sở đảng và tuyên truyền vận động các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ… cùng chung tay triển khai thực hiện.

Năm là, huy động nguồn lực xây dựng và hoàn thiện xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với vùng miền theo Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL, sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí của Trung tâm văn hóa và nhà văn hóa, khu thể thao thôn. Mỗi thôn thành lập các đội văn nghệ, thể thao, thường xuyên luyện tập, biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị của địa phương và phục vụ khi du khách đến tham quan.


Tác giả: A Páo
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.360
Hôm qua : 2.914
Tháng 07 : 10.058
Năm 2024 : 515.404